Mục tiêu bị bỏ lỡ

Tại hội nghị bàn tròn cấp cao, trong khuôn khổ khóa họp thứ 76 Đại hội đồng LHQ vừa qua, Tổng Thư ký LHQ và Thủ tướng Anh cảnh báo, thế giới không thể hoàn thành mục tiêu kiềm chế Trái đất nóng lên, nếu ngay bây giờ không thực thi những gì đã cam kết và tiếp tục đặt tham vọng cao hơn. 

Biếm họa: MAHMOUD RIFAI
Biếm họa: MAHMOUD RIFAI

Từ Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP15) tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2019, đến Thỏa thuận Paris năm 2015, các nước giàu đều hứa tài trợ các nước nghèo, tăng dần mức đóng góp mỗi năm để đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, sau đó tiếp tục nâng cam kết hỗ trợ từ năm 2025. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tốc độ thực hiện cam kết tài trợ của các nước giàu vẫn ì ạch, thậm chí thụt lùi. Theo báo cáo cập nhật của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2019, các nước phát triển đóng góp tổng cộng 79,6 tỷ USD, tăng nhẹ so mức tài trợ 78,3 tỷ USD năm 2018, song vẫn thấp hơn nhiều so các năm trước đó. 

Kết quả thực hiện cam kết tài trợ năm 2020 chưa được tổng hợp chính thức. Song, theo OECD, từ mức đóng góp năm 2019 có thể thấy, các nước giàu phải “bước nhảy vọt” trong triển khai cam kết tài trợ mới có thể đạt mục tiêu 100 tỷ USD trong năm 2020 vừa qua. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, các nước tập trung hỗ trợ kinh tế trong nước, lo ngại mục tiêu tài trợ 100 tỷ USD bị bỏ lỡ là có cơ sở. 

Giới chuyên gia nhận định, ngay cả khi các nước giàu hoàn tất cam kết tài trợ, thì mục tiêu 100 tỷ USD/năm vẫn bị xem là quá nhỏ so nguồn lực cần thiết cho cuộc chiến cam go chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhận được ít tài trợ từ các nước giàu, các quốc gia đang phát triển vừa căng mình chống chọi biến đổi khí hậu, vừa chật vật lựa chọn ưu tiên để dành nguồn lực.

Báo cáo phân tích của LHQ trước thềm khóa họp Đại hội đồng thứ 76 cảnh báo, lượng khí thải toàn cầu năm 2030 sẽ tăng 16% so mức năm 2010, vượt rất xa mục tiêu giảm 45% mà giới khoa học khẳng định là cần thiết để ngăn chặn những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh Boris Johson nhấn mạnh, tăng tốc triển khai cam kết tài trợ là thể hiện trách nhiệm của các nước giàu với cộng đồng quốc tế.