Lùi một bước, tiến hai bước

Với thông báo của Mỹ sẽ rút khoảng 2.000 binh sĩ ra khỏi Afghanistan, cùng sự nhượng bộ của chính quyền Kabul, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban đang diễn ra tại Thủ đô Doha của Qatar sắp chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Theo AP, hai bên đã bắt đầu đàm phán trực tiếp từ tháng 9 vừa qua, sau khi Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hồi tháng 2. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết rút toàn bộ lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan vào giữa năm 2021 trong khi Taliban đưa ra các bảo đảm về an ninh và cam kết tiến hành hòa đàm với chính quyền Kabul. Tuy nhiên, hai bên phát sinh nhiều bất đồng về chương trình nghị sự, khung thảo luận và vấn đề tôn giáo, khiến đàm phán rơi vào bế tắc.

Cho tới nay, Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban gần như đã đạt thỏa thuận về mọi vấn đề gây cản trở, dù vẫn còn một số bất đồng như việc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phản đối cách gọi “đánh đồng” chính phủ của ông và Taliban là “các bên tham chiến”. Hiện, một thành viên của đoàn đàm phán đang trở lại Thủ đô Kabul để tham vấn Tổng thống Ghani về vấn đề này. Về phần mình, Taliban đã đồng ý từ bỏ đòi hỏi các cuộc đàm phán hiện nay hay bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai đều phải căn cứ vào luật Hồi giáo dòng Sunni, vốn gây lo ngại có thể dẫn tới phân biệt đối xử với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi’ite, cũng như các sắc tộc thiểu số khác ở Afghanistan. 

Cuộc đàm phán hòa bình tại Doha cũng đã có được sự bảo trợ cần thiết của cộng đồng quốc tế để hai bên có thể thương lượng những điều khoản cần thiết. Theo đó, Chính phủ Afghanistan và Taliban đã nhất trí coi việc LHQ xác nhận tiến trình hòa bình tại Afghanistan, cam kết của các nhóm thương lượng, cũng như thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban là nền tảng để giải quyết các vấn đề thủ tục chính và cơ sở đàm phán.

Trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy rút quân khỏi Afghanistan, khiến an ninh của nước này suy yếu nhiều hơn, cuộc đàm phán giữa Kabul và Taliban là điều đặc biệt cấp thiết nhằm duy trì ổn định an ninh và hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm nghìn người dân đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. Do đó, để tiến trình đàm phán diễn ra thuận lợi thì các bên tham gia cần “lùi một bước để tiến hai bước” trong nỗ lực xây dựng nền hòa bình lâu dài cho quốc gia Nam Á này.