Hố sâu ngăn cách

Đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng mạnh hơn hố sâu ngăn cách giàu - nghèo trên thế giới và đây là một vấn đề lớn cần được quan tâm giải quyết vì một tương lai phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới.

Biếm họa của MARIAN KAMENSKY
Biếm họa của MARIAN KAMENSKY

Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong Báo cáo các nước kém phát triển nhất năm 2021 công bố hôm 27/9 nhận định rằng, trong năm 2020, các nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong khoảng ba thập niên, do tác động của cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra. Với “sức cùng lực kiệt” vì đại dịch và nguồn lực quốc gia hạn chế, triển vọng đối với các nước kém phát triển hiện nay khá ảm đạm.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng vào tất cả quốc gia trên thế giới, song các quốc gia kém phát triển bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Trong khi kinh tế các nước phát triển và mới nổi đã từng bước “gượng dậy” nhờ chiến dịch “phủ sóng” vaccine ngừa Covid-19, thì triển vọng phục hồi tại các nước kém phát triển nhất vẫn mờ mịt. Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở các nước này hiện rất thấp, với chỉ 2% dân số đã được tiêm chủng. 

Theo LHQ, trong hai thập niên vừa qua, chỉ một số ít các nước kém phát triển có dấu hiệu đáng khích lệ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và năng suất lao động. Với tình hình hiện nay, các nước kém phát triển có nguy cơ “bị bỏ lại phía sau” ngày càng xa trong tiến trình phát triển của nhân loại. Trong bối cảnh nêu trên, báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển năng lực sản xuất ở các nước kém phát triển nhất trong việc nâng cao khả năng ứng phó, phục hồi sau các cuộc khủng hoảng như dịch Covid-19 và hướng tới sự phát triển bền vững. “Bài toán khó” đặt ra hiện nay là để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư và chi tiêu lớn, vượt xa khả năng tài chính của các nước kém phát triển nhất.

Bởi vậy, để khoảng cách giàu nghèo giữa các nước kém phát triển nhất và phần còn lại của thế giới không gia tăng mạnh, Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phát triển năng lực sản xuất và năng lực thể chế của các nước kém phát triển nhất, từ đó nâng cao khả năng ứng phó những thách thức truyền thống và thách thức mới như cuộc khủng hoảng Covid-19 và biến đổi khí hậu.