“Hiệp ước đại dịch”

Những tuyên bố và quyết định nêu bật tính cấp thiết của hành động hợp tác ứng phó, kiểm soát Covid-19 liên tiếp được đưa ra những ngày qua, trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện tại một số nước châu Phi, đe dọa hủy bỏ những thành quả chống dịch của thế giới vừa qua. 

Biếm họa: YAZDANI
Biếm họa: YAZDANI

Trong bài phát biểu gửi hội nghị đặc biệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại cảnh báo về hậu quả của tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động khẩn cấp. Tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng Y tế Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng khẳng định, biến thể Omicron mới được phát hiện có khả năng lây nhiễm cao và đòi hỏi hành động khẩn cấp, mang tính tập thể. 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden không phủ nhận lo ngại về rủi ro từ biến thể Omicron, song nhấn mạnh thế giới không nên hoảng loạn, mà tập trung tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Geneva tuyên bố, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khẳng định yêu cầu khẩn cấp về đoàn kết toàn cầu.

Đặc biệt, tại hội nghị chưa có tiền lệ, diễn ra từ ngày 29/11 đến 1/12, các đại diện của toàn bộ 194 thành viên WHO đã nhất trí khởi động đàm phán nhằm cho ra mắt một “hiệp ước đại dịch” vào năm 2024. Trong đó, các nước nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm phân phối, chia sẻ kịp thời và bình đẳng các công cụ và biện pháp y tế phòng, chống dịch bệnh, trong đó có vaccine, thuốc điều trị và các phương tiện chẩn đoán.

Khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng và tiếp cận vaccine không phải vấn đề mới và một “hiệp ước đại dịch”, mang tính ràng buộc quốc tế là bước đi vô cùng quan trọng, trong bối cảnh nhiều nước giàu đẩy mạnh tiêm phòng tăng cường, trong khi tại các nước nghèo, nhiều người còn chưa được tiêm mũi đầu tiên. Tổng Giám đốc WHO chỉ rõ, nếu các nước tiếp tục hành động riêng rẽ, dịch bệnh còn kéo dài và virus tiếp tục biến đổi theo cách thức khó đoán định hơn.