Giới hạn đỏ

Chỉ còn một tuần đến “giới hạn đỏ”, các nhà lập pháp Mỹ đã kịp thông qua dự luật nâng trần nợ công, giúp chính quyền Tổng thống Joe Biden đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ vốn được Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo xảy ra vào ngày 18/10 tới.

Biếm họa: JEFF KOTERBA
Biếm họa: JEFF KOTERBA

Ngày 12/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng giới hạn vay nợ của chính phủ liên bang thêm 480 tỷ USD, lên mức 28.900 tỷ USD. Hôm 7/10, dự luật đã được Thượng viện Mỹ thông qua. Tổng thống Joe Biden trước đó cũng tuyên bố sẽ ký ban hành ngay sau khi dự luật được Quốc hội lưỡng viện phê chuẩn.

Nguy cơ vỡ nợ ám ảnh Nhà trắng nhiều tuần qua, sau khi Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp bất thường để thanh toán các hóa đơn của chính phủ, do nợ công đã “kịch trần”, lên hơn 28.400 tỷ USD cuối tháng 7 vừa qua. Nếu Quốc hội không mở rộng giới hạn vay, Chính phủ không còn nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ trả nợ sau ngày 18/10. Khi đó, lần đầu trong lịch sử, Chính phủ Mỹ sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ.

Giới chuyên gia kinh tế Mỹ nhận định, kịch bản vỡ nợ nếu xảy ra sẽ gây tổn thất trên diện rộng: Lãi suất tăng vọt; kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng; niềm tin vào năng lực tài chính của Chính phủ Mỹ giảm sút; các khoản trả lương binh sĩ, chi an sinh xã hội ngưng trệ... Các quốc gia sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến đồng USD suy yếu, tạo lợi thế cho các đối thủ của Mỹ.

Tuy nhiên, việc mở rộng giới hạn vay tránh để chính phủ vỡ nợ vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ. Không phải giới lập pháp Mỹ không ý thức được mức độ nguy hiểm, nhưng cạnh tranh quyền lực và giằng co lợi ích khiến hai phe Dân chủ và Cộng hòa không dễ nhượng bộ. Từ năm 1960 đến nay, đã có 78 lần Quốc hội Mỹ nâng hoặc đình chỉ thực thi trần nợ. Cuộc chiến hai phe năm 2011 từng khiến hãng Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ lần đầu trong lịch sử.

Với dự luật nâng trần nợ mới nhất, Chính phủ Mỹ tạm thoát nguy cơ vỡ nợ và đóng cửa. Song, biện pháp này cũng chỉ có hiệu lực tới ngày 3/12 tới. Đồng nghĩa, một “giới hạn đỏ” mới lại được đặt ra và kịch bản chính phủ vỡ nợ lại treo lơ lửng.