Đường dài mới biết ngựa hay

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách lĩnh vực kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Bonnie Jenkins mới đây tuyên bố, Mỹ đã khôi phục lập trường ủng hộ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và có kế hoạch thúc đẩy để hiệp ước này có hiệu lực thi hành.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

CTBT được ký cách đây 25 năm, là một trong các văn kiện thể hiện nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Hiệp ước nêu rõ, tất cả quốc gia thành viên không được thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình và cũng không được tham gia hay khuyến khích bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở bất cứ đâu trên thế giới. Đến nay, văn kiện này đã được 185 quốc gia ký tham gia và 170 nước trong số đó phê chuẩn. Để có hiệu lực thi hành, CTBT phải có sự phê chuẩn của 44 quốc gia được nêu trong Phụ lục số 2. Hiện, ba cường quốc hạt nhân là Nga, Anh và Pháp đã phê chuẩn; ba nước không ký hiệp ước, gồm Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan. Ngoài ra, năm nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel và Iran. 

Đáng chú ý, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối yêu cầu phê chuẩn và áp dụng hiệu lực của CTBT, đồng thời bảo lưu quyền nối lại các vụ thử hạt nhân trong trường hợp cần thiết. Vì thế, tuyên bố mới nhất của quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden liên quan CTBT được xem là tín hiệu tích cực trong quan điểm của Washington đối với vấn đề hạt nhân. Theo Sputnik News, Thứ trưởng Jenkins thừa nhận tất cả các quốc gia còn lại trong Phụ lục số 2 cần phê chuẩn để hiệp ước có hiệu lực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc Mỹ những năm gần đây rút khỏi các văn kiện quan trọng như Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hay Hiệp ước Bầu trời mở (OST), đã khiến nảy sinh nhiều quan ngại về việc quản lý vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Bên cạnh đó, dù đã gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Nga thêm 5 năm, song chưa có gì bảo đảm Mỹ sẽ tuân thủ đến cùng thỏa thuận. 

Do đó, thiện chí của Washington cần được kiểm chứng theo thời gian, bởi “đường dài mới biết ngựa hay”. Chỉ khi nào cường quốc hạt nhân này tham gia đầy đủ các hiệp ước liên quan thì lúc đó, tương lai không vũ khí nguyên tử của nhân loại mới được hình thành.