Cú đánh mới

Chính phủ Nga vừa công bố một “cú đánh mới” nhằm vào các công ty công nghệ lớn hoạt động tại nước này. Theo đó, Nga sẽ thực hiện kế hoạch đánh thuế mới nhằm vào các công ty dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài từ tháng 11 tới.

Biếm họa của CHAD CROWE
Biếm họa của CHAD CROWE

Giới chức Nga cho biết, gói các biện pháp bổ sung ngày 14/9 nhằm tăng nhu cầu đối với công nghệ trong nước và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong các ngành kinh tế. Trước khi công bố kế hoạch đánh thuế mới nói trên, Nga đã có một số hành động pháp lý nhằm chấn chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ nước ngoài. Hồi tháng 8, Tòa án quận Tagansky ở Thủ đô Moscow đã đưa ra 5 án phạt đối với Google, tổng cộng lên đến 190.000 USD, vì không xóa nội dung bị cấm, gồm tài liệu khiêu dâm hoặc đăng tải nội dung bị xem là cực đoan hoặc khuyến khích sử dụng ma túy và hành vi tự sát. Một tòa án khác của Nga cũng đã phạt nhà điều hành mạng xã hội Twitter hơn 95.000 USD do đã không xóa nội dung bất hợp pháp.

Trước đó, nhiều nước đã có những động thái tương tự, trong bối cảnh các “gã khổng lồ” về công nghệ đã đạt siêu lợi nhuận trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua, nhưng chưa đóng góp thuế tương xứng với doanh thu và thậm chí nhiều hoạt động của họ còn có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các chính phủ. Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, khi cho rằng tập đoàn Mỹ này đã sử dụng công nghệ để “vượt mặt” các đối thủ trong thị trường quảng cáo trực tuyến mang lại lợi nhuận cao. Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các hãng công nghệ lớn, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí một kế hoạch nhằm cải tổ phương thức đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các “đại gia” kỹ thuật số Amazon và Google... Theo đó, G20 thống nhất sẽ đặt ra một mức thuế công ty tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp.

Việc chính phủ các nước “ra tay” với các hãng công nghệ lớn như trên là cần thiết, bởi các biện pháp trừng phạt không chỉ nhằm bảo đảm công bằng cạnh tranh cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn thu thuế chính đáng cho các nước, mà còn giúp giảm bớt đáng kể các thông tin độc hại trên môi trường mạng.