Chặt ngọn, còn gốc

Ngày 9/5, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với năm đối tượng cung cấp tài chính cho tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhằm hỗ trợ các thành viên của nhóm thánh chiến cực đoan này ở Syria.

Biếm họa: HASSAN BLEIBEL
Biếm họa: HASSAN BLEIBEL

Theo CNN, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc những cá nhân bị trừng phạt đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển của các phần tử cực đoan đến Syria và các khu vực khác, nơi IS hoạt động. Những đối tượng này cũng bị nghi ngờ thực hiện chuyển tiền để hỗ trợ các nỗ lực tuyển mộ thành viên mới của IS trong các trại di tản ở Syria. Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, mạng lưới này thu tiền ở Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, “một phần tiền được sử dụng để trả cho việc đưa trái phép trẻ em ra khỏi trại và giao chúng cho các tay súng IS nước ngoài như những tân binh tiềm năng”.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính Brian Nelson cho biết: “Mỹ là một phần của liên minh toàn cầu đánh bại IS, cam kết ngăn chặn khả năng huy động và vận chuyển tài chính của IS trên nhiều lĩnh vực pháp lý”.

Mới đây, bà Zahra Ershadi - Phó đại diện thường trực của Iran tại LHQ cảnh báo, làn sóng bạo lực gần đây tại tỉnh Hasakah ở đông bắc Syria là dấu hiệu báo động về nguy cơ các phần tử khủng bố thuộc IS đang trỗi dậy. Các tay súng có quan hệ với IS bị phát hiện có kế hoạch tiến hành thêm nhiều vụ tiến công đẫm máu ở Syria trong năm 2022. Sau khi Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan vào giữa năm ngoái, các báo cáo tình báo của Mỹ cho thấy IS và các nhóm đoạn khác đang củng cố lại lực lượng tại Syria. Sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều hoạt động bảo đảm an ninh của giới chức Trung Đông đình trệ, IS cũng nhân cơ hội tuyển mộ thêm thành viên và kêu gọi thánh chiến trên internet.

Các chuyên gia về khủng bố cho biết, IS có khả năng thích ứng và phát triển thêm nhiều nhóm nhỏ để liên tục thực hiện các hành vi bạo lực cực đoan trên toàn thế giới. Bởi thế, việc chặn nguồn tài chính nhỏ lẻ cho IS của giới chức Mỹ nói trên mới chỉ “chặt ngọn nhưng còn gốc”. Muốn nhổ tận gốc rễ của tổ chức thánh chiến này còn cần tới nỗ lực chung của nhiều nước trong giám sát và hành động chống cực đoan trên quy mô toàn cầu.