Chặn “virus” tin giả

Tổ chức Tech 4 Peace chuyên giám sát tin giả ở Iraq vừa cảnh báo về tình trạng lan tràn “fake news” tại nước này.

Biếm họa của THIAGO LUCAS
Biếm họa của THIAGO LUCAS

Những thông tin sai sự thật, bôi nhọ người khác và thuyết âm mưu về các vấn đề chính trị, xã hội, an ninh và kinh tế lan truyền với tốc độ chẳng kém virus gây Covid-19, càng nguy hiểm trong bối cảnh Iraq đang chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới.

Theo thành viên sáng lập Tech 4 Peace, chuyên gia Aws Al-Saadi, mạng xã hội là phương tiện chính lan truyền tin tức sai sự thật ở Iraq. Có những câu chuyện được thêu dệt với nội dung rất hấp dẫn, chẳng hạn một thanh niên trẻ ở TP Mosul kết hôn với bốn cô gái chỉ trong một ngày (thật ra là nhằm quảng bá chương trình khuyến mãi của một thẩm mỹ viện). Hay, câu chuyện về vụ cháy ở bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Thủ đô Baghdad khiến hơn 80 người chết được mô tả với những tình tiết ly kỳ, nhưng không có thật.

Tệ hại hơn, những thông tin sai lệch mang khuynh hướng chính trị lại “góp phần” làm gia tăng căng thẳng bè phái vốn tiềm ẩn ở Iraq. Cuối năm ngoái, tin đồn lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội nói rằng, lực lượng chức năng bắt giữ một người đàn ông ở TP Tikrit (nơi có đông người Hồi giáo dòng Sunny sinh sống) đã lái xe chở đầy chất nổ tới khu vực có đông người Shi’ite. Thông tin sau đó bị phanh phui là giả mạo.

Với quan hệ đối ngoại của Iraq, “fake news” càng nguy hiểm. Mới nhất, trên mạng xã hội rộ lên tin về một người Saudi Arabia đánh bom liều chết ở Baghdad, khiến hơn 30 người chết. Căng thẳng giữa Iraq và Saudi Arabia vừa lắng dịu, thông tin và hình ảnh vụ đánh bom được chia sẻ nhanh chóng đẩy giới chức hai bên vào cuộc tranh cãi mới. Song, kết quả điều tra chỉ rõ, đây đúng là một vụ tiến công, song xảy ra ở Saudi Arabia từ năm 2015 và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) khi đó đã thừa nhận đứng sau vụ việc. 

Trước thềm tổng tuyển cử, lo ngại về nạn lan truyền thông tin sai lệch, Iraq thiết lập hẳn một cơ quan chuyên biệt, có nhiệm vụ phát hiện, điều tra và lật tẩy tin tức giả mạo. Tuy nhiên, nỗ lực chặn “virus" tin giả lây lan còn gian nan, khi trên thực tế, trong số khoảng 25 triệu người sử dụng mạng xã hội Iraq, chỉ có 34 nghìn người “theo dõi” trang mạng của cơ quan giám sát tin giả, vốn chỉ mặt, điểm tên những thông tin giả mạo.