Báo động nữ quyền

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vừa lên tiếng kêu gọi áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bất ổn tại một số nước đang làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng giới. 

Biếm họa: MAARTEN WOLTERINK
Biếm họa: MAARTEN WOLTERINK

Tổng Thư ký LHQ bày tỏ quan ngại trước việc thực trạng quyền lợi của người phụ nữ bị vi phạm ở một số nước như Ethiopia, Yemen và nhiều khu vực khác trên toàn cầu. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so năm 2019, số phụ nữ tham gia lực lượng lao động trong năm 2021 sẽ giảm 13 triệu người. Đại dịch đã đẩy lùi tiến bộ mà phong trào vì phụ nữ đã đạt được trong sáu năm qua. Trong khi đó, tại Afghanistan, nữ quyền đang có “bước lùi” và phụ nữ và trẻ em gái đang bị cản trở cả quyền được đi làm, đi học. 

Người đứng đầu LHQ đã báo động về tình trạng nêu trên, khẳng định sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các cuộc tiếp xúc với chính quyền mới ở Afghanistan. Ông Guterres cam kết “không ngừng đấu tranh” cho đến khi trẻ em gái được đến trường, phụ nữ được quay trở lại làm việc và hòa nhập xã hội. Các chuyên gia của LHQ nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách đặt ra với chính phủ các nước và khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội là phải phối hợp để đưa ra những chính sách đảo ngược những tác động mà đại dịch gây ra với phụ nữ, đầu tư và tạo việc làm cho họ trong thời kỳ “hậu Covid-19”. 

Trong bối cảnh bức tranh bình đẳng giới toàn cầu xuất hiện nhiều gam mầu tối như trên, việc các chính phủ, tổ chức quốc tế cần vào cuộc để bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái là việc làm không thể trì hoãn. Ngoài các giải pháp trước mắt là nâng cao cơ hội việc làm, tiếp cận nguồn vốn và thị trường cho nữ giới, để bảo đảm tiến bộ, công bằng bền vững, “việc cần làm ngay” là cải thiện bình đẳng giới và nâng cao cơ hội cho phụ nữ nắm giữ những chức vụ lãnh đạo và hỗ trợ giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng cho họ. Đây là cách mà một số quốc gia châu Âu đã làm và đang rất thành công. Đơn cử như Ireland, với nghị viện có 33/63 ghế do phụ nữ nắm giữ, nước này trở thành nước đầu tiên tại châu Âu có một quốc hội nữ giới chiếm đa số.