Xuất khẩu tăng, doanh nghiệp vẫn lo

Nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng so thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hiện vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí khiến doanh nghiệp (DN) phải từ bỏ đơn hàng giá trị hàng chục triệu USD vì lo không đáp ứng được yêu cầu.

Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng. Ảnh: SONG ANH
Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng. Ảnh: SONG ANH

Theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động XNK của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2021 ghi nhận đà tăng trưởng cao so cùng kỳ năm 2020, với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, tổng kim ngạch XNK hàng hóa bốn tháng đầu năm ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó XK ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu (NK) ước đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa bốn tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD. Đáng chú ý, trong bốn tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn một tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch XK.

Bộ Công thương nhận định, đến thời điểm hiện nay, XK hầu hết các mặt hàng như: điện tử, dệt may, giày dép, máy móc, nông sản... đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy XK chung của Việt Nam trong năm 2021. Các Hiệp định như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh. Đồng thời, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà-phê, cao-su, hạt tiêu… sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK.

Tuy nhiên, với nhiều ngành, dù kim ngạch XK tăng trưởng mạnh song vẫn còn đó nhiều mối lo. Đơn cử, với ngành dệt may, các đơn hàng về Việt Nam dù đã phủ kín chuyền may nhưng giá trị cũng như chủng loại hàng có những thay đổi khiến DN phải đối mặt nhiều rủi ro mới. 

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, trong quý I - 2021, lượng đặt hàng sản xuất tăng nhưng doanh thu giảm 9% so cùng kỳ năm trước. Lý do là vào thời điểm quý III và IV - 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường XK chưa có dấu hiệu phục hồi nên để bảo đảm duy trì sản xuất, May 10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so năm 2019, đã có đủ đơn hàng đáp ứng năng lực sản xuất tới tháng 8-2021. Đặc biệt, trong năm nay, đối với May 10, lượng hàng quý I - 2021 nhiều nhưng rất khó tuyển bổ sung được thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng và mục tiêu doanh thu. Chúng ta cứ nói hiện nay lao động thất nghiệp vì dịch Covid-19 rất nhiều, nhưng thực tế việc tuyển lao động lại cực kỳ khó khăn.

Tương tự, tại Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức tháng 4-2021, Tổng Thư ký HAWA Nguyễn Chánh Phương chia sẻ, kết quả đạt được ngoài kỳ vọng, số lượng thương nhân đến giao thương nhiều hơn DN sản xuất. Song, đơn hàng nhiều lại khiến ngành gỗ rơi vào tình cảnh phát triển nóng, cầu nhiều hơn cung. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, loại vật tư tăng giá nhẹ nhất so thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra cũng vào khoảng 50%, khiến các DN phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng.

Ông Nguyễn Chánh Phương phân tích, do những nước cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nên nguồn cung hạn chế. Ngành gỗ Việt Nam đang phát triển nóng, nhu cầu lớn dẫn đến chính các DN trong ngành phải tranh giành nguyên liệu với nhau, từ đó đẩy giá lên cao. Một số DN không dám ký đơn hàng lớn, chấp nhận để mất đơn hàng có giá trị lên tới hàng chục triệu USD.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, theo ông Nguyễn Chánh Phương, DN có thể tìm kiếm đơn hàng qua kênh online. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là làm sao kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh tình trạng nhà máy sản xuất phải ngưng trệ vì dịch bệnh. DN ngành gỗ vẫn chủ yếu làm gia công, giá trị thu về thấp, dẫn đến nếu phải đóng cửa, gián đoạn sản xuất nửa tháng trở lên có thể ảnh hưởng rất lớn tới DN.

Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng thì cho biết, DN XK của Việt Nam vẫn đang khá bị động trong vận chuyển hàng hóa XK theo đường biển, bởi hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài. Do vậy, Chính phủ cần có sự can thiệp và làm việc với các hãng tàu nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam để các hãng tàu có sự hỗ trợ nhất định cho DN XK Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Công thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động XNK hiện vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, như: việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như: logistics, nguyên liệu NK tăng cao; các thị trường XK nông - lâm - thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… Do đó, Bộ Công thương khuyến nghị bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Theo Phó Cục trưởng XNK (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến XNK, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy XK hàng hóa.