Tỷ giá dao động trong biên độ ổn định

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ (TTNT) thời gian qua được điều hành phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô (KTVM), lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ (CSTT). TTNT ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Các yếu tố vĩ mô như: xuất khẩu (XK) tăng, thặng dư thương mại đang hỗ trợ cho giá trị đồng Việt Nam ổn định và có thể mạnh lên.

Thị trường ngoại hối liên ngân hàng trong quý I-2021 duy trì ổn định. Ảnh: NAM ANH
Thị trường ngoại hối liên ngân hàng trong quý I-2021 duy trì ổn định. Ảnh: NAM ANH

Trong quý I - 2021, tỷ giá USD/VND được đánh giá là khá ổn định, dự báo sẽ tăng nhẹ trong quý II. Theo Phó Tổng Giám đốc VIB Lê Quang Trung, tỷ giá không “chạy” mới là điều đáng lo, bởi tỷ giá phải lên, xuống do cung cầu ngoại tệ không phải lúc nào cũng gặp nhau. Thí dụ, tại một thời điểm nào đó, doanh nghiệp (DN) đổ xô bán ra trong khi nhu cầu ngoại tệ không đủ lớn để hấp thụ sẽ dẫn đến tỷ giá giảm. Tất cả mọi dao động đều nằm trong vùng quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tỷ giá chưa chạy ra ngoài biên độ quản trị của cơ quan quản lý. Thị trường ngoại hối liên NH trong quý I - 2021 duy trì ổn định với điểm tựa chính là cung - cầu ngoại tệ trong nước dồi dào. Biên độ hiện nay rất lành mạnh.

Ông Lê Quang Trung phân tích, yếu tố chính giúp duy trì đà ổn định của tỷ giá trong nước đến từ sự dồi dào của nguồn cung ngoại tệ. Trong quý đầu năm nay, cán cân thương mại thặng dư khoảng hai tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so cùng kỳ năm ngoái, dòng kiều hối cũng tăng trưởng tích cực. Tính chung, cân đối cung - cầu ngoại tệ thặng dư khoảng 3,5 - 4,0 tỷ USD, tương đương mức trung bình của cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Tỷ giá và TTNT thời gian qua được điều hành phù hợp diễn biến KTVM, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT. TTNT ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. 

Thực tế, nguồn cung ngoại tệ dư thừa với khoảng 6,5 tỷ USD được các NHTM bán kỳ hạn cho NHNN trong quý I - 2021. Tỷ giá USD/VND ổn định nhất thế giới, dao động phổ biến quanh mức 23.200 USD/VND - 23.250 USD/VND trong quý I - 2021. Trong cùng khoảng thời gian, nhiều đồng tiền biến động mạnh so USD như: JPY giảm 7,26%, EUR giảm 4,12%, THB giảm 4,5%, KRW giảm 4,19%, CNY giảm 0,57%...

Tỷ giá USD/VND liên NH có diễn biến giảm trong quý I - 2021, chỉ nhích tăng vào cuối tháng 3 do áp lực tăng giá của USD. Diễn biến này được cho là bởi NHNN chuyển từ mua ngoại tệ giao ngay sang mua kỳ hạn để bổ sung dự trữ ngoại hối kể từ tháng 1-2021 và tần suất mua ngoại tệ kỳ hạn giảm từ hằng ngày sang hằng tuần. Tính đến cuối tháng 3, tỷ giá trung tâm tăng 0,5%, nhưng tỷ giá liên NH giảm 0,1%. Tính đến ngày 13-4-2021, tỷ giá trung tâm ở mức 23.214 VND/USD, tăng 0,36% so cuối năm 2020; tỷ giá liên NH nhìn chung ổn định.

Trong một diễn biến khác có liên quan, chênh lệch lãi suất VND - USD liên NH “hạ nhiệt” nhanh chóng, từ mức 4%/năm trước Tết Nguyên đán về khoảng 0,3 - 0,5%/năm sau Tết. Chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN đã ảnh hưởng mức giá sàn tham chiếu giao ngay trên thị trường khiến tỷ giá neo chặt theo biến động của chênh lệch lãi suất. Sự ổn định của thị trường ngoại hối có thể sẽ không được duy trì trong thời gian tới khi áp lực từ bối cảnh quốc tế dự kiến ở mức cao và cung - cầu ngoại tệ không dồi dào như trước.

Theo một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV, với việc Mỹ tiếp tục đi đầu trong quá trình tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 cũng như hiệu ứng tích cực từ gói kích thích tài khóa 1.900 tỷ USD, giá USD có dư địa để phục hồi. Bên cạnh đó, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa dự kiến sẽ ở mức khiêm tốn trong quý II, khoảng 0,5 tỷ USD, khi kim ngạch nhập khẩu (NK) đang tăng nhanh hơn so kim ngạch XK do các hoạt động sản xuất trong nước dần phục hồi. Ngoài ra, cán cân thương mại dịch vụ vẫn có dấu hiệu thâm hụt lớn do XK dịch vụ du lịch chưa thể cải thiện vì dịch Covid-19.

Điểm tích cực là các nguồn cung ngoại tệ khác như giải ngân FDI và kiều hối dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định, đưa mức cung - cầu trong nước thặng dư nhẹ vào khoảng 300 triệu USD trong quý II - 2021. Điểm đáng chú ý, với bộ đệm thanh khoản đến từ mức bán ròng kỳ hạn ước khoảng 4 - 5 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay, mức giá mua kỳ hạn 23.125 đồng được kỳ vọng là mức chặn trên cho tỷ giá USD/VND trong quý II, do có thể sẽ xuất hiện nhu cầu hủy ngang bán kỳ hạn lớn từ phía các NHTM tại mức giá này. Trên TTNT tự do, tỷ giá USD/VND cuối tháng 3-2021 là 23.800 - 23.850, tăng 2% so cuối năm 2020. Nguyên nhân chính được nhìn nhận là do nhu cầu USD gia tăng nhằm nhập lậu vàng - đây là loại hàng hóa không được NK chính ngạch, khi chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế nới rộng lên 5 - 7 triệu đồng/lượng.

Theo ông Lê Quang Trung, các yếu tố vĩ mô như XK tăng, thặng dư thương mại đang hỗ trợ giá trị đồng Việt Nam ổn định và có thể mạnh lên. 

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Tú Anh,Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư cho rằng, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của năng lực sản xuất trong nước, sự chuyển dịch của chuỗi giá trị sản xuất vào Việt Nam, cán cân vãng lai vẫn tiếp tục xu hướng thặng dư, thậm chí thặng dư lớn. Do đó, áp lực lên giá VND là rất lớn. NHNN cần tiếp tục mua dự trữ ngoại hối để ổn định đồng tiền. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi để cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn, chấp nhận một biên độ lên giá nhất định của đồng VND. Việc đồng VND lên giá giúp giảm nợ nước ngoài và giảm áp lực lạm phát nhưng có tác động tiêu cực nhất định đối với hàng XK và hàng trong nước cạnh tranh với hàng NK.