Tính toán để giảm tác động của giá xăng, dầu

Chỉ vài tháng qua, giá xăng, dầu đã tăng sáu lần liên tiếp. Tác động của nó đã thấy rõ khi hàng loạt mặt hàng khác cũng tăng giá, khiến đời sống của người dân gặp khó khăn. Các ngành nghề kinh doanh sử dụng nhiều xăng, dầu cũng đang lao đao... Vấn đề hiện nay không chỉ là tìm cách kiềm chế xăng, dầu tăng giá mà phải tìm giải pháp an sinh, hỗ trợ những đối tượng bị tác động mạnh trước đà tăng giá này.

Các mặt hàng thiết yếu chịu ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng. Ảnh: BẮC SƠN
Các mặt hàng thiết yếu chịu ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng. Ảnh: BẮC SƠN

Hỗ trợ trực tiếp đúng đối tượng

Đưa ra những nhận định về kinh tế Việt Nam sáu tháng qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) trong tháng 5 nhích tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9%, chủ yếu do giá xăng, dầu tăng. WB đưa ra cảnh báo, các cấp thẩm quyền của Việt Nam nên thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu đi lên. “Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước”, WB nhấn mạnh.

Tổ chức này cho rằng, Việt Nam cần có những giải pháp giảm tác động của giá xăng, dầu đến những đối tượng chịu tác động mạnh từ đà tăng giá trên. Những biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu, nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với tình hình giá nhiên liệu tăng. Ngoài ra, WB cũng đánh giá, cú sốc giá hàng hóa thế giới ảnh hưởng chủ yếu đến xăng, dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải. Do đó, chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

Với thực tế cuộc sống người dân, chị Hương, một công nhân ở trọ tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, nhiều năm nay vẫn đứng yên một chỗ, cuộc sống của gia đình chị hiện rất khó khăn khi tiền trọ tăng, chi phí cho bữa cơm hằng ngày tăng, giá quần áo tăng, tiền sữa cho con… tất cả đều tăng. Đơn cử, một chai dầu ăn, chỉ mới năm ngoái có giá 39-42 nghìn đồng, nay đã lên 64-67 nghìn đồng, hay một gói xôi ăn trưa giá 20.000 đồng, khi bình thường trước đây chỉ 7 nghìn đồng. “Cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn, nếu thực phẩm vẫn cứ tăng giá tiếp thì chúng tôi không biết xoay xở ra sao”, chị Hương nói và cho biết, chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu, hạn chế thấp nhất những nhu cầu khác để lo tiền ăn uống, tiền nước, tiền điện.

Người lao động ngành vận tải cũng đang gắng gượng để duy trì hoạt động trước sức ép của giá xăng, dầu tăng hiện nay. Vừa phải bán đi hai chiếc xe tải loại 3,5 tấn vì không thể “gồng gánh” được nữa, anh Minh - chủ một doanh nghiệp vận tải tư nhân cho biết, khi còn vận hành xe để chở hàng hóa, mỗi tháng, anh lỗ 15 triệu đồng vì giá xăng tăng cao trong khi xe chỉ chở được thưa thớt các chuyến hàng vì tắc biên, hàng hóa không về được. “Xăng tăng, doanh nghiệp cũng muốn tăng giá cước vận tải nhưng khách hàng không đồng ý, điều này cũng khiến công ty khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Đến cuối cùng không thể gánh lỗ nữa, đành phải bán xe”, anh Minh chia sẻ. Cũng có hãng xe phải tăng giá cước, tuy nhiên, hàng hóa chậm, công việc giảm đến 70% không đủ để nuôi lái xe và duy trì hoạt động khi chi phí cho xăng, dầu đã tăng gấp đôi.

Tính toán để giảm tác động của giá xăng, dầu -0 Ngành vận tải gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao. Ảnh: NAM NGUYỄN

Thực hiện cách nào?

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ ba QH khóa XV, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế”. Bình luận về giải pháp trên, nhiều chuyên gia cho biết, chúng ta đã có kinh nghiệm và hoàn toàn có thể dùng giải pháp này, bởi chính sách hỗ trợ an sinh đã được triển khai từ khá lâu, tuy nhiên, đánh giá như thế nào về tốc độ triển khai của các gói hỗ trợ đó lại là điều phải bàn.

PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đồng ý với khuyến nghị trên. Nhưng theo ông, để thực hiện được, cần có những thống kê đánh giá cụ thể về mức độ kiểm soát lạm phát, bởi giá xăng, dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các đối tượng:

Trực tiếp là, những ngành nghề tiêu dùng xăng trực tiếp như vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ, những người lao động sử dụng phương tiện đi lại… Còn gián tiếp là người dân phải mua hàng hóa giá cao hơn do tác động của giá xăng, doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh do giá đầu vào tăng cao… “Một số nước cũng có chính sách hỗ trợ như vậy”, ông Long nói và cho rằng, để làm được, chúng ta phải xem nguồn lực có hay không, cách hỗ trợ như thế nào. Song, ông cũng lưu ý “giảm cho hộ nghèo bao nhiêu là hợp lý, công bằng, bởi có đối tượng sử dụng nhiều xăng, dầu, sẽ chịu tác động nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam thông tin thêm, hỗ trợ an sinh cũng là cách làm năm 2008, khi giá xăng, dầu tăng cao, Chính phủ đã quyết định sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân khai thác hải sản trên biển. Song, ông Thỏa cũng lưu ý, khi áp dụng biện pháp trợ cấp trực tiếp, phải bảo đảm tính kịp thời về thời gian. Thủ tục xét duyệt, cấp phát phải đơn giản, cách làm phải công khai, công tác kiểm tra giám sát phải chặt chẽ…

Về việc xây dựng chính sách an sinh thế nào, ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ: Nguồn tiền hỗ trợ được tính toán trên cơ sở ngân sách T.Ư phân cho các địa phương. Để hỗ trợ tiền trực tiếp cho các đối tượng yếu thế, ngành lao động - thương binh và xã hội phải kết hợp ngay với địa phương thực hiện giải ngân. Chính quyền cấp xã sẽ lập danh sách người được hỗ trợ và tổ chức chi tiền hỗ trợ trực tiếp theo danh sách, bảo đảm công khai, minh bạch, trên cơ sở có sự giám sát chặt chẽ của đại diện các tổ chức như Thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc…

Đối với danh sách hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp phải được lập theo các tiêu chí về hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ quy định. Với ngành vận tải, cần lập kế hoạch hỗ trợ theo mục tiêu giữ giá cước, sẽ vừa hỗ trợ được doanh nghiệp vận tải, vừa hỗ trợ chung cho các ngành khác khi giữ được chi phí đầu vào. Còn đối với các chủ tàu khai thác trên biển (đối tượng có chi phí đầu vào là xăng, dầu chiếm hơn 50%) phải thỏa mãn điều kiện: Có ra khơi đánh bắt, có bảo hiểm (tàu và thuyền viên), có đăng kiểm, có đăng ký lưu hành phương tiện đánh bắt hải sản theo quy định. Ngành tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, hạch toán dòng tiền hỗ trợ…

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, đề xuất dùng chính sách an sinh cũng có thể áp dụng trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng quá cao. Tuy nhiên, hỗ trợ ở mức độ nào thì cần tính toán dựa trên cân đối ngân sách, làm sao để hài hòa việc “đã giảm thu còn tăng chi” để trợ giá. Nói cách khác, việc này sẽ phụ thuộc mức độ chịu đựng của nền kinh tế.

Trong nửa đầu năm 2022, giá xăng, dầu đã tăng 12 lần và tăng liên tiếp sáu lần kể từ tháng 4 đến nay. Mức tăng tương ứng khoảng 8.494 đồng/lít đối với xăng RON 95 và 7.951 đồng/lít với xăng E5 RON 92.