Tính toán để chặn đà tăng giá xăng dầu

Giá xăng dầu lập đỉnh lịch sử, dự báo giá xăng dầu thế giới từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, khó lường. Diễn biến này đã tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa và cạnh tranh thương mại khi hàng hóa, dịch vụ, chi phí vận tải tăng theo giá xăng. Vậy còn có dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng dầu?

Sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu hợp lý, linh hoạt sẽ bảo đảm tính hiệu quả, bền vững. Ảnh: NAM HẢI
Sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu hợp lý, linh hoạt sẽ bảo đảm tính hiệu quả, bền vững. Ảnh: NAM HẢI

Giá dầu còn tăng mạnh

Từ ngày 11/5, mỗi lít xăng RON 95 đã cán mốc 29.980 đồng, E5 RON 92 là 28.950 đồng một lít. Riêng loại xăng RON 95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng. Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng này, giá xăng RON 95 đã lập đỉnh mới, cao hơn mức thiết lập hồi giữa tháng 3 là 160 đồng một lít. Còn E5 RON 92 thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 3 khoảng 30 đồng mỗi lít. 

Riêng những địa phương thuộc vùng 2 (các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở) giá xăng dầu còn ở mức cao hơn, với giá xăng RON 95 được bán với giá 30.570 đồng mỗi lít. Đơn cử, theo quy định của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị chiếm tới 50% thị phần ngành xăng dầu, vùng 2 bao gồm 44 tỉnh và hầu hết những đảo của Việt Nam. Bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang, Sóc Trăng và tất cả các đảo thuộc Việt Nam.

Nhận định về tình hình giá xăng dầu thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, khó lường. Phân tích cụ thể, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, đang có nhiều dấu hiệu hỗ trợ giá dầu thô trong thời gian tới - yếu tố làm tăng giá xăng dầu thành phẩm. Đó là việc châu Âu bày tỏ sự lạc quan về việc Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga, bất chấp sự phản đối của một số quốc gia, cũng là thông tin tích cực đối với giá dầu. “Nếu quyết định này thật sự được đưa ra, nhiều chuyên gia dự báo giá dầu có thể sẽ quay trở lại hoặc thậm chí vượt vùng đỉnh đã đạt được trong thời gian qua”, MXV thông tin.

Một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu cho biết, thị trường thế giới gần đây biến động nhanh, giá đổi chiều liên tục. Theo đó, sau khi tính toán các số liệu đầu vào, giá cơ sở trong nước hiện tại lỗ khoảng 300-600 đồng với mỗi lít xăng, còn dầu thì đang dương khoảng 400-700 đồng. “Nếu cứ đà này, doanh nghiệp dự báo khả năng phiên điều chỉnh tới, giá xăng sẽ xô đổ mốc 30.000 đồng/lít mới thiết lập và còn khó lường trong những phiên tới”, vị này nói.

Còn dư địa giảm thêm các loại thuế

Dù vậy, công cụ điều hành giá là Quỹ Bình ổn xăng dầu lại đang rất âm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong nước đã rơi xuống mức âm 170 tỷ đồng, từ mức dương gần 899 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2021. Bởi, trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỷ đồng, nhưng số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỷ đồng.

Trong đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex đã âm 53 tỷ đồng (đến thời điểm 15 giờ ngày 11/5); Tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)  âm đến 1.065 tỷ đồng; Công ty CP XD Tân Nhật Minh âm 114 tỷ đồng; Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 110 tỷ đồng; Công ty TNHH TM&DV Long Hưng âm 95 tỷ đồng; Công ty TNHH Hải Linh âm 91 tỷ đồng...

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: Nguồn tiền của Quỹ Bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc. Tuy nhiên, thực tế vừa qua lại cho thấy, khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp cũng phải “mạnh tay” chi quỹ. Khi giá giảm, người tiêu dùng lại không được mua giá thấp ngay do cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước đó, chưa kể là có dư để còn chi cho những lúc giá dầu thế giới tăng cao.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cơ quan điều hành cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và bảo đảm tính hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đến công cụ bình ổn giá thứ 2 là thuế, phí. Ông kiến nghị tiếp tục giảm thêm thuế, phí để chặn đà tăng của giá xăng dầu. Bởi lẽ, mức thuế, phí đang chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó, các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng và tỷ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%. 

“Vì vậy, ngoài việc sử dụng hiệu quả, linh hoạt quỹ bình ổn giá, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50%, cần xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Thịnh nói và bày tỏ, bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó, nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.

Tương tự, TS Nguyễn Đình Ánh, chuyên gia về giá cho rằng, với việc điều hành giá xăng dầu, quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng. “Thu ngân sách chiếm từ 30-50% giá bán lẻ xăng dầu trên mỗi một lít xăng. Đây là dư địa rất lớn để nhà chức trách điều hành giá xăng dầu. Thí dụ, một lít xăng 30.000 đồng, dư địa điều hành còn khoảng 10.000-15.000 đồng, chứ không chỉ 2.000 đồng từ giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ đầu tháng 4 đến hết năm nay”, TS Nguyễn Đình Ánh phân tích.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Còn với nhóm ngành sản xuất, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế. Vì thế, cần tính toán lại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, theo hướng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc bãi bỏ sắc thuế này với xăng. Tuy nhiên, giảm loại thuế nào thì cần tính toán phù hợp để chống nhập lậu xăng dầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu này làm đầu vào sản xuất và phục vụ nhu cầu người dân.

Hiện, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải “cõng” tới 42% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900-2.000 đồng. Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.