Tiền điện tử trở nên phổ biến

Cùng với sự phát triển của internet và công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chúng ta đang từng bước được tiếp cận và sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Với hệ thống internet banking, các ứng dụng chạy trên các nền tảng iOS hay Android, người sử dụng có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến. Các dịch vụ thanh toán trực tuyến đều sử dụng tiền điện tử để giao dịch khiến tiền điện tử ngày càng trở nên phổ biến. 

Tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo hộ.
Tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo hộ.

Các loại tiền điện tử

Có nhiều loại tiền điện tử khác nhau nhưng chủ yếu gồm ba loại sau:

Tiền điện tử pháp định (fiat money) là biểu hiện dưới hình thức điện tử của tiền pháp định và được Nhà nước công nhận. Nó được lưu trữ thông qua các thiết bị điện tử lưu trữ như thẻ ATM, ví điện tử, tài khoản ngân hàng. Tiền điện tử pháp định có giá trị trao đổi ngang bằng với tiền pháp định dạng tiền mặt. Tiền điện tử pháp định được pháp luật công nhận, có đầy đủ các tính năng của tiền pháp định như có thể dùng để trao đổi hàng hóa, chuyển đổi thành tiền mặt và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt và kiểm soát. Ở Việt Nam, tiền điện tử pháp định được lưu trữ và thanh toán qua các ví điện tử được cung ứng bởi các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như MoMo, VNPay, Payoo...

Tiền ảo (virtual money) là một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành bởi ngân hàng trung ương, không nhất thiết phải gắn với tiền định danh, được tạo ra bởi các tập thể và cá nhân và được chấp nhận như một phương tiện thanh toán, có thể được chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử trong một cộng đồng nhất định. Tiền ảo thường sử dụng trong các trò chơi trực tuyến và được coi như một phương tiện thanh toán trong các trò chơi này. Tiền ảo không được pháp luật bảo hộ, không có giá trị thực tiễn vì chỉ được chấp thuận trong một cộng đồng cụ thể, không được bảo đảm khả năng chuyển thành tiền pháp định, không giới hạn số lượng phát hành. 

Tiền mã hóa (cryptocurrency) còn được gọi là tiền mật tính điện tử, là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi nhưng sử dụng mật mã để bảo đảm các giao dịch của nó, kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản. Tiền mã hóa dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu chuỗi khối (blockchain)-một sổ cái công cộng khổng lồ liệt kê tất cả các giao dịch được xác thực bởi một hệ thống máy tính kết nối toàn cầu. 

Tiền mã hóa được xây dựng dựa trên những thuật toán phức tạp, trong đó cho phép các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người gửi và người nhận mà không cần có sự kiểm soát của chính phủ, ngân hàng hay các tổ chức tài chính mà vẫn bảo đảm tính an toàn và chính xác của giao dịch. Chính vì thế, tiền mã hóa có bản chất phi tập trung. Tiền mã hóa không được phát hành bởi bất kỳ tổ chức hay ngân hàng trung ương nào, về mặt lý thuyết nó miễn nhiễm với sự can thiệp hoặc kiểm soát của chính phủ. 

Sự ra đời của tiền mã hóa đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử về hình thức thanh toán điện tử. Bitcoin là đồng tiền mã hóa đầu tiên được tạo ra năm 2009. Kể từ đó, nhiều loại tiền mã hóa khác đã được tạo ra. Chúng thường được gọi là Altcoin. Bitcoin và các dẫn xuất của nó được kiểm soát phi tập trung, sử dụng cơ sở dữ liệu giao dịch blockchain của bitcoin trong vai trò như một sổ cái lưu trữ dạng phân tán. Tiền mã hóa có thể được mua và bán trên các sàn giao dịch mở, được gọi là các sàn giao dịch tiền mã hóa. 

Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, tiền mã hóa (Bitcoin và các loại khác) sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền mã hóa là không hợp pháp tại Việt Nam.

NHNN Việt Nam đã có Văn bản số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo (tiền mã hóa) như sau: “tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.

Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy, tại Việt Nam hiện nay, không công nhận tiền mã hóa như Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác là một phương tiện thanh toán. Nếu phát hành, tàng trữ, cung ứng, sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề coi tiền mã hóa như là một loại hàng hóa, một đối tượng để trao đổi mua bán.

Tiền điện tử (tiếng Anh: electronic currency, electronic money, e-cash, digital currency, digital money, digital cash) hay còn gọi là tiền kỹ thuật số là một đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên internet, hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử. Tiền điện tử cho phép các giao dịch tức thời có thể được thực hiện liền mạch.