Thúc đẩy thị trường tiêu dùng trực tuyến

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 45 triệu lượt người tham gia mua sắm trực tuyến. Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với doanh số khoảng 35 tỷ USD. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi nếu có được sự hỗ trợ của Chính phủ, cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp (DN). 

Hình thức mua sắm trực tuyến đang trở nên phổ biến.
Hình thức mua sắm trực tuyến đang trở nên phổ biến.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so Nhật Bản. Dịch Covid-19 được xem là “cơ hội vàng” cho TMĐT ở Việt Nam khi tốc độ thanh toán và tiêu dùng trực tuyến được thúc đẩy nhanh hơn. Nhưng “chọn mặt” sàn TMĐT nào để “gửi vàng” đã và đang là điểm nghẽn. Câu trả lời chính là việc hướng tới xây dựng một nền tảng tín nhiệm trên nền tảng TMĐT. Nhiều khía cạnh của TMĐT của Việt Nam được mổ xẻ, phân tích tại Diễn đàn: “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, bán hàng xuyên biên giới.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, 5 năm gần đây, TMĐT của Việt Nam tăng trưởng nhanh với tốc độ 25 - 30%/năm với 80% khách hàng đã từng mua hàng trực tuyến. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, đồ điện tử, mỹ phẩm. Khảo sát mua sắm trực tuyến năm 2019 cho thấy, mua sắm quần áo 24%; mua hàng cá nhân 21%; mua hàng điện tử 18%; mua vé máy bay, xem phim 17%; mua nội dung online là 19%. Hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng (NTD) thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.

Để minh họa cho sự bùng nổ này, theo ông Lê Đức Anh, số hồ sơ mà Cục này nhận được để xin gia nhập thị trường mua sắm trực tuyến lên đến 45 nghìn. Tức là về mặt nguyên tắc sẽ có đến 45 nghìn sàn TMĐT ở Việt Nam, chỉ chờ cơ quan chức năng nhấp chuột cấp phép. Nhưng làm gì để tốc độ tiêu dùng và thanh toán trên môi trường điện tử tỷ lệ thuận với sự lành mạnh luôn là “câu chuyện đau đầu” cho các cơ quan quản lý từ 5 - 7 năm nay.

Theo Giám đốc Khu vực phía bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà, các khảo sát cho thấy NTD một mặt nhìn nhận được những thế mạnh, lợi ích khi mua sắm trực tuyến, song mặt khác cũng lo ngại về vấn đề những gì họ được xem, đã trả tiền mua thì khi nhận được có đúng là hàng hóa như vậy hay không. Có một lo ngại nữa là trả tiền trực tuyến thì liệu có bị hack hay không, hoặc là chất lượng sản phẩm có được bảo đảm…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để phát triển được mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng online, thanh toán không dùng tiền mặt thì cần phải đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số trong DN, xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Đồng thời, cần có một quy trình quản lý chất lượng bảo đảm, giữ được chữ tín đối với NTD.

Để NTD tiếp tục “mặn mà” cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, theo ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao của Tiki miền bắc, cần kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán trực tuyến; đồng thời, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thấp nhất rủi ro cho khách hàng.

Lời giải cho bài toán phát triển TMĐT ở Việt Nam với việc đẩy mạnh thanh toán và tiêu dùng trực tuyến được ông Lê Đức Anh đưa ra là DN hạ tầng, các nhà mạng viễn thông, các công ty hợp pháp để thúc đẩy thị trường tiêu dùng trực tuyến. Thêm nữa là thông qua những hình thức hỗ trợ về chuyển phát về phí, chuyển phát về các hoạt động truyền thông, quảng bá, phát triển những giải pháp liên quan thông tin giao dịch, xác thực các đối tượng tham gia quá trình giao dịch, xử lý tranh chấp, khiếu nại, hiệu quả cao được chất lượng dịch vụ giao hàng.

Nhưng điểm chốt, theo ông Lê Đức Anh, trong 5 năm tới, cần xây dựng một định hướng về “phát triển của nền tảng tín nhiệm” tại Việt Nam đối với thương mại, trong đó sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân để công bố rộng rãi để NTD có thể nắm bắt. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 45 triệu lượt người tham gia mua sắm trực tuyến. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với doanh số khoảng 35 tỷ USD. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi nếu có được sự hỗ trợ của Chính phủ, cùng các bộ, ngành và DN. Qua đó, cần có chính sách ưu đãi cho các DN TMĐT tiếp cận nguồn vốn để tham gia chuỗi giá trị liên kết hàng Việt Nam bán trên sàn TMĐT của người Việt. Ngoài ra, cần có các chính sách liên kết trong việc thanh toán, an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của người dùng. Song song với việc siết chặt các quy định bảo vệ NTD khi mua hàng trên sàn TMĐT cần có biện pháp bảo vệ các DN TMĐT tuân thủ pháp luật. Bộ Công thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện TMĐT; cải cách hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho DN có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, tìm kiếm đối tác nhập khẩu… giúp DN kinh doanh thành công, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng mới, thay thế các chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn, đình trệ do dịch Covid-19.