Thích ứng trạng thái “bình thường mới”

Dịch Covid-19 kéo dài và đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển của hệ thống doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, nhiều mô hình sáng tạo đã ra đời giúp không ít DN thoát khỏi nguy cơ phá sản, thậm chí tăng trưởng doanh thu. 

Công nhân khu công nghiệp Tân Tạo giữ khoảng cách trong ca làm việc để phòng, chống dịch.
Công nhân khu công nghiệp Tân Tạo giữ khoảng cách trong ca làm việc để phòng, chống dịch.

Lao đao vì dịch bệnh 

Là đơn vị chuyên nhập khẩu hải sản cao cấp từ các quốc gia phát triển rồi tiến hành cung cấp số lượng lớn cho khoảng 2.000 nhà hàng tại Việt Nam từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia là thương hiệu lớn có mức doanh thu đáng mơ ước. Thế nhưng, dịch Covid-19 xuất hiện một thời gian ngắn, doanh thu của DN này đã giảm đến 90% khi hàng loạt nhà hàng phần thì đóng cửa, phá sản do các lệnh giãn cách, dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt, hàng hóa không thể nhập về…

Tương tự, doanh thu của Công ty CP The Quin cũng bị kéo giảm đột ngột, chủ DN này phải tìm mọi cách tiết giảm chi tiêu, bổ sung phương án kinh doanh để trụ lại qua mùa dịch. Không muốn sa thải nhân viên nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cộng với doanh thu bị ảnh hưởng nặng nề, bà Vũ Thị Quyên, người sáng lập The Quin, chỉ còn cách cho nhân viên nghỉ luân phiên, đợi tập trung sản xuất vào đợt bánh trung thu tới. 

Không riêng gì hai DN này, hơn một năm nay, rất nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh phải gánh chịu thiệt hại nặng nề từ sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 1.365 DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc. Trong đó, 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho người lao động. Doanh thu giảm, chi phí cao, nguồn hàng đứt gãy, thiếu nguồn nguyên liệu, gián đoạn việc tiếp cận khách hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn khiến không ít DN lao đao. 

Tính đến cuối tháng 5-2021, TP Hồ Chí Minh đã có 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng gần 5% so cùng kỳ năm 2020) và 9.308 DN rơi vào tình trạng tạm ngưng hoạt động (tăng gần 23% so cùng kỳ năm 2020). Khảo sát nhanh hơn 100 DN của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 84% các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch lần thứ 4. Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%... 

Kịp thời thay đổi hướng đi

Số DN giải thể, làm ăn thua lỗ do dịch bệnh không ngừng tăng cao, thế nhưng ngay trong thời điểm khó khăn nhất, nhiều DN đã kịp thời thay đổi hướng đi để ổn định, duy trì và phát triển doanh thu bằng những mô hình sáng tạo. Đơn cử, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại TP Hồ Chí Minh đầu năm 2020, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia quyết định chuyển hướng kinh doanh từ chủ yếu tập trung cho khách hàng sỉ sang thị trường bán lẻ trong nước. Đến thời điểm hiện tại, DN này đã thiết lập được gần 10 hệ thống bán lẻ hải sản chất lượng cao tại TP Hồ Chí Minh.

Cùng với việc đẩy mạnh kênh kinh doanh trực tuyến, DN này còn tập trung vào các mặt hàng chế biến sẵn theo nhu cầu khách hàng để tăng lượng người mua. Các dòng sản phẩm liên tục được cập nhật, thay đổi phù hợp nhu cầu thực tế. Ngay trong đợt giãn cách này, hệ thống bán lẻ hải sản này vẫn kinh doanh nhộn nhịp do lượng đơn hàng trực tuyến, giao tận nơi tăng mạnh và vẫn tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho gần 200 nhân viên. 

Đẩy mạnh kênh trực tuyến và dòng thực phẩm chế biến sẵn cùng là hướng đi của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bakafood (Bakafood) trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp này. Nhờ nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng mà hơn một năm nay, doanh thu của DN này hiện đã tăng 50%. Thay vì chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau củ, thực phẩm, hải sản, đặc sản sạch, giờ đây hệ thống này đã có thêm gần 50 mặt hàng sơ chế sẵn phục vụ bữa cơm hằng ngày của người mua. 

Giám đốc Bakafood Hà Quốc Anh cho hay: “Việc chế biến sẵn mất khá nhiều thời gian, chi phí phát sinh so bán sản phẩm thô trong khi mức giá chẳng chênh lệch mấy. Điều này khiến chúng tôi giảm một phần lợi nhuận, nhưng đây là cách tốt nhất để kích cầu người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn này”. 

Trong khi đó, Công ty CP The Quin chọn cách “cộng sinh” để cùng phát triển với những đối tác lâu năm của mình. Mới đây, DN này đã chào hàng nhiều dòng sản phẩm mới như nước chanh đóng chai giá rẻ, bánh bông lan khoai lang tím, bánh trôi nước khoai lang tím và sắp tới là bánh trung thu khoai lang tím… từ nguồn hỗ trợ nông sản cho bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long và nguồn chanh làm nước đóng chai đến từ một nông trại trồng chanh xuất khẩu Nhật Bản đang tồn hàng do ảnh hưởng dịch bệnh. 

Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng hành để thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Trong đó, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ về nguồn nguyên liệu, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chương trình mở rộng thị trường, đề xuất chế độ, chính sách hỗ trợ DN, tổ chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, sự phát triển của thành phố không thể tách rời sự phát triển của DN. Trong tình huống nào, thành phố cũng luôn đồng hành với DN và ngược lại. TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với DN trong năm 2021; cho phép DN lữ hành giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời gian hai năm để giúp tạo dòng tiền hoạt động… Đặc biệt, việc triển khai tiêm vaccine lúc này cho người lao động là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, khi được tiêm, người lao động cũng sẽ yên tâm gắn bó với DN, qua đó giúp DN “vượt dịch” thành công.