Tháo gỡ vướng mắc trong vận tải hàng hóa

Giữa lúc cả nước quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, việc không thống nhất trong quy định của Chính phủ và các địa phương đang tạo rào cản cho hoạt động lưu thông, vận tải hàng hóa (VTHH). Hàng loạt quy định về: hàng thiết yếu, xét nghiệm Covid-19, cách ly đối với lái xe, cấp thẻ ưu tiên “luồng xanh”… có những bất cập cần nhanh chóng được tháo gỡ. 

Xe vận tải hàng hóa sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông.
Xe vận tải hàng hóa sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông.

Lúng túng trong thực hiện

Với quan điểm quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không làm đứt gãy chuỗi hàng hóa, hiện, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thành lập bốn đoàn công tác đến các địa phương, các tuyến quốc lộ, cao tốc để kiểm tra. Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được kịp thời tháo gỡ để bảo đảm lưu thông, VTHH.

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các doanh nghiệp vận tải (DNVT), việc không thống nhất trong quy định của Chính phủ và các địa phương đang là rào cản cho hoạt động VTHH. Chưa kể khi xuống tới các cơ sở nhà máy, mỗi nơi lại có thêm quy định khác nhau. Không những thế, các quy định này thường có hiệu lực nhanh khiến DN không kịp xoay xở.

Về điều này, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thái Việt Trung cho biết, chỉ tính riêng quy định về xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp nào, thời hạn ra sao, mỗi địa phương lại áp dụng cách thức khác nhau. Có thời điểm, tỉnh Hải Dương không cho lái xe Bắc Ninh, Bắc Giang đi vào. Hay tại Quảng Ninh, khi vào địa bàn này, lái xe đã xét nghiệm PCR rồi nhưng đến bến bãi tại cửa khẩu lại phải xét nghiệm thêm lần nữa. Trung bình mỗi lái xe phải xét nghiệm gối đầu nhau khoảng 11 lần/tháng. Mỗi lần xét nghiệm cộng thêm chi phí đi lại tới gần một triệu đồng. Nếu một DN có 70 lái xe, tổng chi phí hết cả vài trăm triệu đồng/tháng cho việc xét nghiệm Covid-19, đi cùng với đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh cao khi xét nghiệm… 

Theo thống kê của Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam, so trước dịch, doanh thu VTHH đã giảm 20-30%, số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%. Đặc biệt, khâu VTHH trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát với lái xe và phương tiện, các chi phí bị đội lên. Ước tính với khoảng 2,5 triệu lái xe tham gia VTHH, tổng chi phí các DNVT chi ra để phục vụ riêng việc xét nghiệm lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, giải pháp “luồng xanh” dù đã được áp dụng song vẫn còn tình trạng ách tắc tại các điểm chốt dịch. Việc cấp mã QR ưu tiên “luồng xanh” VTHH vẫn còn chậm so số lượng hồ sơ gửi về. Tại Hà Nội, tính đến thời điểm sáng 28/7, Sở GTVT Hà Nội đã tiếp nhận hơn 36.600 hồ sơ xin cấp thẻ “luồng xanh” VTHH, trong đó mới duyệt cấp được 9.900 hồ sơ.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong những ngày đầu triển khai đăng ký phương tiện hoạt động trên “luồng xanh” VTHH gặp tình trạng ùn tắc tại chính nơi cấp, dẫn đến chậm cấp thẻ. Vướng mắc lớn nhất chính là khái niệm về hàng thiết yếu, do chưa có danh mục cụ thể nên quy trình cấp mất khá nhiều thời gian.

Xây dựng quy trình chuẩn

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ và các bộ GTVT, Công thương, Y tế đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về vấn đề lưu thông VTHH thiết yếu, tuy nhiên do cách hiểu cũng như thực hiện tại các địa phương khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hoá là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng không được lưu thông.

Để tháo gỡ vấn đề này, mới đây Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông như điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế sản xuất, kinh doanh (SXKD). Nếu quy định này được thông qua sẽ là sự thay đổi lớn trong VTHH hiện nay.

Phân tích bản chất vấn đề, ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, đối tượng lây lan dịch bệnh không phải là xe mà là lái xe. Nếu không quản được người lái thì không bảo đảm phòng, chống dịch. Thực tế, thứ nhất, năng lực của ngành y tế không thể bảo đảm xét nghiệm cho hàng triệu lái xe, về lâu dài nên để DN tự mua bộ xét nghiệm thực hiện cho lái xe của mình. Thứ hai, nên có cơ chế ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lái xe để bảo đảm an toàn trong việc thực hiện nhiệm vụ lưu thông, VTHH thiết yếu và xuất nhập khẩu. 

Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Phan Thị Thu Hiền cho rằng, xét nghiệm cũng chỉ có hiệu quả trong trong phạm vi và thời điểm nhất định, phương án chính vẫn là bảo vệ, phòng ngừa của lái xe, từ thực hiện 5K, tiêm vaccine, xét nghiệm… Người lái xe thật sự như “những chiến sĩ đi vào vùng dịch”, cung cấp hàng thiết yếu cho người dân, cho SXKD nên cần được tiêm vaccine sớm. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế, chúng tôi cũng hướng dẫn những việc lái xe phải làm trước, trong và sau mỗi chuyến đi. Quy định tạm thời này đang được nghiên cứu gấp rút để các địa phương có hành lang pháp lý thống nhất bảo đảm VTHH thông suốt và phòng, chống dịch. 

PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thời gian dài, vì vậy việc xây dựng quy trình VTHH là vấn đề ưu tiên và phải thực hiện một cách bài bản, tránh việc vừa triển khai lại ra quyết định mới. Thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ GTVT, các DN, hiệp hội, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng một hướng dẫn trên tinh thần kiểm soát an toàn và kiểm soát rủi ro. Khi có quy trình thực hiện bài bản, địa phương nào phải thực hiện giãn cách, phong tỏa cứ thế áp dụng mà không bị bối rối, tránh để xảy ra tình trạng xe phải quay đầu như ở cửa ngõ Hà Nội những ngày qua.