Tháo gỡ vướng mắc cho hóa đơn điện tử

Mặc dù có nhiều lợi ích khi sử dụng hình thức hóa đơn điện tử (HĐĐT) nhưng do phần lớn các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là DN nhỏ và vừa (DNNVV) nên khi triển khai thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP (NĐ 119) còn nhiều vướng mắc, bất cập. Các cơ quan chức năng cần xem xét để có hướng giải quyết phù hợp, giúp việc sử dụng HĐĐT trở thành một giải pháp ưu việt cho hoạt động kinh doanh của DN trong thời kỳ số hóa.

Ứng dụng hóa đơn điện tử sớm sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn hóa được các quy trình, nghiệp vụ kế toán cho phù hợp. Ảnh: N.ANH
Ứng dụng hóa đơn điện tử sớm sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn hóa được các quy trình, nghiệp vụ kế toán cho phù hợp. Ảnh: N.ANH

Một bước chuyển quan trọng

Sau hơn bảy năm thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP (NĐ 51) và Nghị định 04/2014/NĐ-CP (NĐ 04) về hóa đơn (HĐ) bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản hướng dẫn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã chuyển đổi phương thức phát hành, quản lý HĐ của DN từ cơ chế “mua HĐ của cơ quan thuế” sang cơ chế “DN tự đặt in, tự in HĐ” để sử dụng. Đồng thời, chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn giấy (HĐG) của cơ quan thuế bằng việc giao cho Cục thuế các địa phương đặt in HĐG bán cho tổ chức, cá nhân không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh. Quy định tại hai NĐ về HĐ đã quy định quyền và trách nhiệm về HĐ cho các DN, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế địa phương trong công tác quản lý hóa đơn. Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hai NĐ này cũng đã bộc lộ một số hạn chế.

Trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành NĐ 119 quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ HĐG truyền thống sang HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tại khoản 2, Điều 35 NĐ 119, các DN và cơ quan thuế có thời hạn 24 tháng (kể từ ngày 1-11-2018 đến ngày 1-11-2020) để chuẩn bị các điều kiện để áp dụng HĐĐT. Trong thời gian từ 1-11-2018 đến ngày 31-10-2020, NĐ 51 và NĐ 04 vẫn còn hiệu lực thi hành.

Theo đó, trường hợp DN, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành HĐĐT không có mã của cơ quan thuế theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC (TT 32) hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế trước ngày 1-11-2018 thì tiếp tục sử dụng HĐĐT đang sử dụng kể từ ngày 1-11-2018; Tiếp tục sử dụng HĐ đặt in, HĐ tự in, HĐ đã mua đến hết ngày 31-10-2020 và phải thực hiện các thủ tục về HĐ theo quy định tại các NĐ 51 và NĐ 04.

Về áp dụng HĐĐT theo TT 32 thì số lượng người nộp thuế đã thông báo phát hành HĐĐT theo TT này, tính đến hết ngày 22-7-2019 như sau: Số lượng người nộp thuế đang hoạt động có thông báo phát hành HĐĐT là 118.620. Số lượng HĐĐT (số sử dụng) tính đến thời điểm ngày 30-6-2019 của người nộp thuế đang hoạt động là 2,3 tỷ HĐ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Chính sách (Tổng cục Thuế), về số liệu áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, tính đến tháng 7-2019, số lượng DN đã đăng ký phát hành HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế là 279 DN (tại Hà Nội là 128 DN, tại TP Hồ Chí Minh là 118 DN, tại Đà Nẵng là 33 DN). Trong đó, số lượng DN đã xuất HĐĐT có mã là 255 (trong đó, tại Hà Nội có 107 DN đã xuất HĐ, tại TP Hồ Chí Minh là 117 DN và tại Đà Nẵng là 31DN. Tình hình xuất HĐ của các DN thì tổng số HĐ được xác thực là 8.111.337 HĐ/255 DN; Tổng cục thuế đã xác nhận: 8.033.386.244.730 VND. Đây là bước chuyển thật sự quan trọng.

Doanh nghiệp vẫn “né” hóa đơn điện tử

Lộ trình bắt buộc sử dụng HĐĐT đối với 100% số DN tại Việt Nam quy định tại NĐ 119 đã chính thức có hiệu lực gần một năm và ban đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều DN hưởng ứng và triển khai thành công HĐĐT trên khắp cả nước. Đặc biệt, các thành phố lớn như: Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đang hướng tới việc hoàn thành mục tiêu “phủ sóng” HĐĐT 100% tại các DN trong năm 2019.

Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Misa Lê Hồng Quang phân tích, theo NĐ 119, từ ngày 1-11-2020, các DN, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh (HKD) phải hoàn thành xong việc chuyển đổi sang HĐĐT, HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết các DN còn chần chừ, chưa chuẩn bị cho quá trình này. Thứ nhất, DN còn chần chừ chưa sử dụng HĐĐT do vẫn còn nhiều HĐG. Có nhiều DN đã đặt in HĐG với số lượng lớn, đến nay khi cần chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT thì cố “tận dụng” nốt số HĐG đã in. Thứ hai, vì chưa đến thời hạn bắt buộc sử dụng HĐĐT nên nhiều DN có tâm lý chờ đến khi bắt buộc mới triển khai. Tâm lý này xuất phát từ việc chưa hiểu hết về những lợi ích mà HĐĐT mang lại. Thứ ba, DN lo ngại rằng, khi sử dụng HĐĐT, ứng dụng công nghệ sẽ khó khăn, phức tạp, khó sử dụng. Tâm lý ngại thay đổi của người quản lý và người trực tiếp thực hiện là kế toán DN dẫn đến việc không sẵn sàng cho HĐĐT… Chưa kể, không ít DN còn quan ngại về vấn đề an toàn, bảo mật của HĐĐT khi thực hiện trên môi trường internet, không tin tưởng vào công cụ, an ninh an toàn của nhà cung cấp…

Như vậy, việc DN cố tình “né” HĐĐT là điều không hợp xu thế. Thay vào đó, DN cần chủ động tiếp cận HĐĐT càng sớm càng tốt. Việc này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, nhân lực, quản trị cho DN mà còn giúp DN đứng vững trên thị trường. Ứng dụng HĐĐT sớm sẽ giúp DN sớm chuẩn hóa được các quy trình, nghiệp vụ kế toán cho phù hợp, tránh vướng mắc khi Nhà nước chính thức bắt buộc sử dụng HĐĐT.

Mặt khác, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, hiện tại chi phí áp dụng HĐĐT vẫn cao hơn nhiều so việc DN tự in HĐ, đó là lý do khiến không ít DN còn chần chừ. Bên cạnh đó, hiện thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn tới HĐĐT “chậm” được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn. Ngoài ra, còn phải có một hệ thống nhân lực với trình độ cao để có thể sử dụng HĐĐT. Đó là chưa kể đến sự phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc khi có sự cố mất điện hay hệ thống bị lỗi, hoặc mất tín hiệu internet thì các DN sẽ gặp vấn đề với loại hình HĐĐT. Điều đó có nguy cơ dẫn tới việc chậm trễ trong việc xuất hàng hóa và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các DN.

Còn nhiều “khoảng trống” quy định

Trao đổi cụ thể về những khó khăn, vướng mắc DN gặp phải trong quá trình triển khai HĐĐT, ông Nguyễn Khơ Din - Giám đốc khối khách hàng DN, Tập đoàn Công nghệ BKAV, Tổng thư ký CLB chữ ký số và giao dịch điện tử thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, nhận thức của DN về HĐĐT cũng đã có sự chuyển biến tích cực kể từ khi NĐ 119 ra đời. Khi chưa có NĐ, số lượng DN sử dụng HĐĐT chỉ dừng ở con số khoảng 1.000 DN thì nay, trong bối cảnh chuyển đổi số, con số này đã lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn DN.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khơ Din, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn tồn tại những thách thức, trong đó có thể kể đến về mặt pháp lý. Cụ thể, mặc dù NĐ 119 đã có hiệu lực từ tháng 9-2018 song lại chưa có Thông tư hướng dẫn (TTHD) cho NĐ này. Chính vì vậy, hiện đang có những “khoảng trống” quy định và đánh giá các đơn vị triển khai, quy định về ngày ký, ngày lập HĐ chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cho các loại HĐ đặc biệt… Bên cạnh đó, cũng phải kể đến vướng mắc trong hoạt động triển khai chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, DN như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường. Việc này làm mất đi ý nghĩa của việc triển khai HĐĐT.

Ông Nguyễn Khơ Din chia sẻ, chính vì chưa có TTHD nên trong quá trình triển khai các DN vẫn vướng mắc trong việc có cần thiết phải có chữ ký của người bán có hiển thị trên HĐ hay không? Đơn vị độc lập nào sẽ thẩm tra năng lực của đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ cung cấp HĐ, kiểm tra tính an toàn, an ninh và bảo mật của dịch vụ?... Trước những khó khăn này, cần triển khai đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Các cơ quan cần ngồi lại để đưa ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc không gây khó khăn cho DN sử dụng HĐĐT.

Cùng quan điểm này, ở góc độ DN, bà Nguyễn Hoài Hương - Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET) chia sẻ, đối GAET, việc thực hiện HĐĐT là giải pháp tháo gỡ khó khăn, phiền hà cho nhiều DN. Nhưng trong quá trình triển khai HĐĐT, mỗi DN đều có những khó khăn riêng. Với GAET, có những vướng mắc như sau: vấn đề nổi cộm hiện nay là chữ ký số trên HĐĐT có bắt buộc thể hiện ngày ký hay không? GAET đã có văn bản hỏi trực tiếp Tổng cục Thuế nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc này. Trong khi đó, các Chi cục thuế tại địa phương yêu cầu bắt buộc phải thể hiện ngày ký, phát hành chữ ký số. Mặt khác, với HĐG trước đây, nếu có sai sót, chỉ cần lập biên bản điều chỉnh và xuất HĐ điều chỉnh. Nhưng với HĐĐT, nếu điều chỉnh hai nội dung thì phải xuất hai HĐ điều chỉnh. Do đó, đối với khách hàng khi nhận HĐ điều chỉnh, họ sẽ khó chấp nhận việc sai sót trên HĐ gốc nhưng đi kèm hai hay ba HĐ điều chỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho DN.

(Còn nữa)