Thách thức với gói phục hồi kinh tế

Chính phủ đang gấp rút hoàn thành đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Thông tin chủ chốt của chương trình là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), triển khai trong khoảng từ năm 2022 tới năm 2023.

Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: NAM HẢI
Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: NAM HẢI

Điểm nghẽn hấp thụ

Dự kiến, gói hồi phục kinh tế sẽ sớm được áp dụng. Và với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhiều chuyên gia cũng “mạnh dạn” đánh giá, gói hỗ trợ này sẽ đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế giai đoạn sau dịch Covid-19. 

Nhưng cũng có đến hai vấn đề dù không mới, nhưng là thách thức lớn, khi áp dụng gói hồi phục kinh tế rất lớn chỉ trong vòng hai năm này: Đó là sử dụng nguồn tiền nào cho gói khôi phục kinh tế; và vấn đề thứ hai, căng thẳng hơn, là khả năng hấp thụ vốn. 

Cần nhấn mạnh, trước khi triển khai gói khôi phục kinh tế, trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đã chi tới hơn 10 tỷ USD cho hoạt động cứu tăng trưởng, hay hỗ trợ trước và trong dịch bệnh. 

Có thể nhắc tới các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân, như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch, gói hỗ trợ doanh nghiệp 250.000 tỷ đồng...

Ngoài ra, là nỗ lực tăng đầu tư công, với hơn một triệu tỷ đồng mà Chính phủ đã tung ra trong hai năm 2020 và 2021. Sắp tới, nguồn tiền 800.000 tỷ đồng khôi phục kinh tế, dù có lấy từ ngân sách, trái phiếu, hay vay ngân hàng… thì đều là từ nguồn Chính phủ tiếp tục chi.

Đó là thực tế tăng cung tiền, chủ yếu từ vốn công. Ở chiều ngược lại, tiền từ Nhà nước đã “được tiêu” thế nào?

Giải ngân đầu tư công năm 2020 đạt 466.600 tỷ đồng, đạt hơn 90% kế hoạch năm, cao nhất nhiều năm, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Năm 2021, mục tiêu đề ra là giải ngân đầu tư công 500.000 tỷ đồng. Nhưng đến hết tháng 11, mới giải ngân được 367.700 tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm.

Như vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công giảm do sau hai năm “no” vốn. Thực tế, không ít địa phương, bộ, ngành đã “xin” được trả lại vốn công, do các dự án khó triển khai vì vướng rào cản chính sách. Trong khi đó thì trong 5 năm sắp tới, giai đoạn 2021-2025, quy mô kế hoạch đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các gói hỗ trợ khu vực dân cư, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Oái oăm là bên cạnh nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thì cũng có thực tế tiền hỗ trợ của Chính phủ không tới được người dân do vướng chính sách, dẫn tới tình trạng thừa các gói hỗ trợ, không tiêu hết.

Nói cách khác, khả năng hấp thụ vốn đang bị cản trở do các rào cản tự thân, đến từ chính sách. Đó là một trong những thách thức lớn nhất với gói hồi phục kinh tế 800.000 tỷ đồng sắp được tung ra. 

Thách thức với gói phục hồi kinh tế -0
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được kỳ vọng giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất sau dịch Covid-19. Ảnh: NAM ANH

Điều chỉnh dòng tiền

Đặc điểm cần lưu ý, gói khôi phục kinh tế lần này sẽ có phần khá quan trọng hướng tới khu vực doanh nghiệp trong nước, bởi đây mới là lực lượng sản xuất cần được khẩn cấp trợ lực để hồi phục. Ngay trong giai đoạn bình thường, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa bao giờ được đánh giá là thuận lợi. 

Để so sánh, có thể thấy tỷ lệ vay mượn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là khá thấp. Lý do vì các doanh nghiệp FDI chủ yếu vay vốn từ nước ngoài với lãi suất thấp, để tổ chức sản xuất tại Việt Nam-nơi có chi phí rẻ. 

Trong đại dịch, tổn thương lớn nhất với các doanh nghiệp FDI là sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và thế giới. Và khả năng hồi phục của các doanh nghiệp này cũng phụ thuộc chủ yếu vào sự hồi phục của chuỗi cung ứng. Tức là không phụ thuộc “mồi” vốn của Chính phủ. 

Vốn rẻ, chi phí thấp, thị trường lớn-những đặc trưng mà doanh nghiệp FDI đang có-cũng là mơ ước của các doanh nghiệp trong nước. Và trong khi chuỗi cung ứng chưa được khôi phục, việc khuyến khích doanh nghiệp vay nợ thêm sẽ tạo nguy cơ rủi ro cho chính dòng vốn ưu đãi.

Như vậy, việc bảo đảm lưu thông, vận hành chuỗi cung ứng trong nước, và sớm mở cửa trở lại với thế giới, đã trở thành điều kiện tiên quyết để gia tăng tính khả thi của gói khôi phục kinh tế. Nguy cơ ở đây chính là diễn biến khó lường của dịch bệnh khi mở cửa trở lại.

Thực tế là, hai năm qua, khi nền kinh tế chao đảo vì dịch bệnh, dòng tiền đổ vào sản xuất, thương mại phần nào bị tắc nghẽn đã tìm hướng sang các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, hay các tài sản “ẩn nấp” như nhà đất, đã khiến hai lĩnh vực này sốt nóng.

Mặt khác, trong nhiều năm trước, các quy định quản lý nới lỏng thái quá đã “giúp” hình thành dòng tiền khác, ít chịu quy định quản lý như với ngân hàng, có quy mô lên tới hơn một triệu tỷ đồng, từ nguồn trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, chiếm phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không có tài sản bảo đảm đi kèm. Các ngân hàng và công ty chứng khoán cũng là những “địa chỉ” mua trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất. 
 
Như vậy, nếu các điểm nghẽn chính sách không được tháo gỡ, để điều chỉnh đúng dòng tiền hướng tới doanh nghiệp-đối tượng tạo ra giá trị kinh tế lớn nhất, thì hoàn toàn có thể tạo nguy cơ vốn dùng khôi phục kinh tế sẽ bằng nhiều cách “chảy” sang các lĩnh vực khác, như bất động sản-nơi giá đất tăng cao có nguyên nhân trực tiếp từ thủ tục bị kéo dài và lãi suất gộp quá cao.
 
Lưu ý là, dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành hiện lớn hơn cả gói khôi phục kinh tế 800.000 tỷ đồng mà Chính phủ sắp áp dụng. Và dòng tiền này cũng đang tiếp tục tăng mạnh, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khi vốn khôi phục kinh tế bị “bẻ lái” sang lĩnh vực khác, nguy cơ với nền kinh tế thậm chí sẽ còn lớn hơn nhiều, chứ chưa cần bàn tới chuyện hồi phục để phát triển.