Tăng sức cạnh tranh cho rau quả xuất khẩu

Là thị trường xuất khẩu (XK) chủ yếu của nhiều loại rau quả của Việt Nam như: Vải thiều, xoài, chuối, thanh long… áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc đã gia tăng sau khi một số sản phẩm nông sản tương tự của Campuchia được XK vào thị trường này. Những vấn đề như cần có chiến lược đúng về phát triển thị trường, đẩy mạnh khâu chế biến đã được đặt ra cho ngành XK nông sản Việt Nam.

Vải thiều Việt Nam đang có cơ hội tiêu thụ lớn trên thị trường thế giới. Ảnh: MINH LÊ
Vải thiều Việt Nam đang có cơ hội tiêu thụ lớn trên thị trường thế giới. Ảnh: MINH LÊ

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ước tính, XK hàng rau quả của Việt Nam tháng 5-2021 đạt 400 triệu USD, tăng 48,3% so cùng kỳ năm 2020. Tính chung năm tháng đầu năm 2021, XK hàng rau quả ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18,0% so cùng kỳ năm 2020. Rau quả của Việt Nam được XK chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, trong bốn tháng đầu năm 2021 và đạt 866,19 triệu USD, tăng 16,3% so cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng XK sang Trung Quốc chiếm 63,2%, tăng 2,7 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2020.

Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, cộng thêm tình trạng dư cung tại thị trường Trung Quốc và nhiều trái cây đang bước vào vụ thu hoạch rộ đang cản trở đà tăng trưởng của hàng rau quả Việt Nam sang thị trường này. Cụ thể, mùa thu hoạch vải thiều của Trung Quốc đã chính thức bắt đầu từ đầu tháng 5-2021. Mùa thu hoạch trái thanh long của Trung Quốc cũng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Dự kiến, nguồn cung chuối sẽ vượt cầu trong ngắn hạn, thị trường chuối tại Trung Quốc có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Trong bối cảnh XK nhiều loại rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc bị chậm lại do tác động của dịch bệnh, thì rau quả của Campuchia đang có thêm lợi thế mới khi Trung Quốc chính thức chấp nhận cho 37 doanh nghiệp (DN) có trang trại trồng cây xoài và 5 DN có nhà máy xử lý đóng gói quả xoài tươi, đủ điều kiện để XK quả xoài tươi trực tiếp vào Trung Quốc. Đáng chú ý, sau thỏa thuận cho phép XK trái xoài của Campuchia sang Trung Quốc có kết quả, phía Campuchia chú ý đến nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc đối với trái thanh long. Vì vậy, thanh long có thể sớm tiếp bước chuối và xoài để trở thành trái cây thứ ba của Campuchia được XK sang Trung Quốc. Campuchia đã có sự chuẩn bị để cung cấp trái thanh long cho Trung Quốc. Trong tháng 5-2020, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia đã khởi động một dự án trồng cây thanh long, qua đó dành 1.000 ha đất nông nghiệp trồng một triệu cây thanh long để cung cấp cho thị trường XK. Bên cạnh đó, Campuchia còn có kế hoạch thành lập một nhà máy chế biến, với mục tiêu XK chính là thị trường Trung Quốc và Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc đang chiếm thị phần rất lớn trong XK nhiều loại rau quả của Việt Nam. Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường này, cộng thêm sự cạnh tranh của các đối thủ trong khu vực và việc các nước lân cận không ngừng xúc tiến thương mại để đưa nhiều loại trái cây chủ lực vào thị trường lớn như Trung Quốc sẽ là “phép thử” không nhỏ cho XK của nhiều loại trái cây Việt Nam.

Trong khi XK sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, hàng rau quả của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực tại nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia… Việt Nam hiện là thị trường cung cấp trái xoài các loại lớn thứ 13 cho Mỹ. Đáng chú ý, xoài sấy khô và nước ép xoài là hai chủng loại mà Mỹ tăng mạnh nhập khẩu (NK) từ Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2021. Trong đó, NK nước ép xoài từ Việt Nam đạt 97 tấn, trị giá 102.600 USD, tăng 340% về lượng và tăng 160,5% về trị giá so cùng kỳ năm 2020.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thương hiệu sẽ giúp rau quả Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh, bất chấp những khó khăn từ dịch Covid-19 cũng như “phép thử” từ những “đối thủ” thương mại khác. Đây là điều mà các DN XK rau quả cần lưu tâm trong lúc này. Thí dụ như, xoài có nhiều loại, mỗi loại có hương vị và phân khúc thị trường riêng. Giống xoài Campuchia XK sang Trung Quốc là xoài keo khác với các giống xoài XK của Việt Nam sang thị trường này. Đối với thanh long, diện tích trồng của Campuchia không nhiều, trong khi nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tăng cao hằng năm. 

Để tăng sức cạnh tranh đối với rau quả Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cần giảm chi phí vận chuyển đường bộ, chi phí logistics sẽ giúp rau quả Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu gia tăng XK rau quả, giảm áp lực XK lên một thị trường, việc dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường, số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói… là hết sức quan trọng.

Về vấn đề này, theo Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Thu Hương, hiện cơ quan này đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm như: trái cây, hạt giống, gạo, khoai lang… Bên cạnh đó, hỗ trợ xử lý, đàm phán tháo gỡ các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình XK. Đồng thời, phối hợp các địa phương xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở XK bảo đảm mục tiêu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu các thị trường XK. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thêm, thí dụ như, thị trường Singapore, dù là một thị trường rất nhỏ, với quy mô dân số chưa đến sáu triệu dân, nhưng lại có truyền thống tiêu thụ trái vải cao và ổn định. Đây chính là cơ hội để vải thiều Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Singapore. Có thể giá trị XK vào thị trường này chưa lớn, nhưng nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự quyết tâm của các doanh nghiệp để khai mở thị trường nước ngoài cho mặt hàng trái vải chính là để chứng minh năng lực cung ứng, năng lực bảo quản sau thu hoạch và năng lực logistics của Việt Nam - đây là chìa khóa gia tăng sức cạnh tranh và mở cửa cho mọi mặt hàng XK của Việt Nam để đi ra thế giới.