Tăng cường quản lý thu ngân sách

Tuy nền kinh tế liên tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của bốn đợt bùng phát dịch Covid-19 ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, song việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) vẫn được bảo đảm. Cùng với đó, công tác điều hành tài chính - ngân sách (NS) đã được Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan thực hiện tốt, qua đó giúp tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN). 

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có tín hiệu tích cực. Ảnh: NAM ANH
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có tín hiệu tích cực. Ảnh: NAM ANH

Theo Bộ Tài chính, trong năm tháng đầu năm 2021, NSNN đã thu về 667.900 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 552.900 tỷ đồng, bằng 48,8% dự toán, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2020. Tình hình kinh tế có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2020, cùng với phát sinh các nguồn tăng thu khá từ các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô-tô... và các nguồn thu đột biến từ hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn đã góp phần tăng thu cho NSNN trong năm tháng đầu năm.

Cũng trong năm tháng qua, hoạt động SXKD, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của DN có những tín hiệu tích cực, cùng với đó là sự chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa hỗ trợ DN XNK, tích cực thông quan hàng hóa bảo đảm dòng chảy thương mại không bị gián đoạn. Đây là nguyên nhân thu NSNN ngành Hải quan có những kết quả khả quan. Số thu cân đối ngân sách từ hoạt động XNK ước đạt 98.500 tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán, tăng 30,1% so cùng kỳ năm 2020 trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 156.900 tỷ đồng, bằng 49,8% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 58.400 tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán. 

Riêng thu từ dầu thô ước đạt 15.960 tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán, giảm 18,4% so cùng kỳ năm 2020. Theo thông tin từ Vụ NSNN, Bộ Tài chính, thu từ dầu thô giảm là do sản lượng khai thác giảm, mặt bằng giá dầu các tháng đầu năm nay cơ bản không biến động nhiều so cùng kỳ.

Về chi NSNN ước đạt 581.600 tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 102.000 tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 47.800 tỷ đồng, bằng 43,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 430.800 tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi NSNN năm tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng NS. Cả NST.Ư và NS địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 161.686 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 137.475 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 24.211 tỷ đồng…

NST.Ư đã chi từ dự toán chi dự phòng NST.Ư 2.057 tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện hai nhiệm vụ: Bổ sung 1.740 tỷ đồng cho Bộ Y tế kinh phí mua vaccine; hỗ trợ 317 tỷ đồng cho các địa phương kinh phí phòng, chống dịch Covid-19.

Đánh giá về công tác điều hành NS của Bộ Tài chính thời gian qua, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, công tác điều hành thu - chi NS của Việt Nam đang được thực hiện tốt, thể hiện qua mức thu và chi, thâm hụt NS vẫn nằm trong tầm kiểm soát và ở mức an toàn. Điều này là nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Việc có nguồn thu tăng trưởng giúp ích rất nhiều trong công tác bảo đảm bộ máy vận hành bình thường, đầu tư trở lại cho nền kinh tế thông qua chi cho phát triển, đồng thời hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Đề cập một số điểm cần phải chú ý trong điều hành NS từ nay đến cuối năm, ông Lê Duy Bình cho rằng, cần lưu ý dư địa cho sử dụng chính sách tài khóa (CSTK), chính sách tiền tệ (CSTT) trong những tháng cuối năm để kích thích, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế với kịch bản cao như năm trước. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế như Quốc hội, Chính phủ đã đề ra thì dư địa không lớn, đòi hỏi ưu tiên hiện nay là cần cân đối CSTK trên diện rộng, phối hợp giữa chính sách tài chính và CSTT hết sức chặt chẽ, linh hoạt để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát đang rập rình quay trở lại.

Về vấn đề này, tại cuộc họp giao ban công tác tài chính - NS tháng 5-2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan, đánh giá tình hình thực hiện thu, chi NSNN sáu tháng đầu năm, phương án điều hành NSNN sáu tháng cuối năm 2021. Tuyệt đối không để bị động trong điều hành NSNN; không ban hành các chính sách mới nếu không cân đối được nguồn, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn thực hiện một số nhiệm vụ chi cấp bách. Trên cơ sở đánh giá sát tình hình thực hiện NSNN năm 2021, sớm xây dựng số kiểm tra đối với dự toán NSNN năm 2022 và kế hoạch tài chính 3 năm 2022 - 2024; trong đó cần tính đến các kịch bản khác nhau có thể xảy ra để chủ động xây dựng phương án điều hành NS trong trường hợp xấu nhất.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cần tăng cường công tác quản lý thu NS; đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; chống buôn lậu, gian lận thương mại; phấn đấu thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính - NSNN còn vướng mắc, bất cập, chồng chéo; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tham mưu kịp thời để bảo đảm kinh phí chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu. Trong thời gian tới, toàn ngành tập trung mọi biện pháp, bám sát dự toán để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu, đây là nhiệm vụ số một.