Sẵn sàng “bơm vốn” ra thị trường

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay (LSCV), góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các hãng hàng không mong muốn được áp dụng cơ chế tái cấp vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: NAM ANH
Các hãng hàng không mong muốn được áp dụng cơ chế tái cấp vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: NAM ANH

Thực tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, NHNN đã liên tiếp ba lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới sáu tháng; giảm 1,5%/năm trần LSCV ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm LSCV để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD). 

Đặc biệt, trong tháng 7/2021, 16 NH (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thông qua Hiệp hội NH Việt Nam thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm LSCV lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, 16 NH này đã đồng thuận giảm LSCV áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. 

Nhờ triển khai kịp thời, quyết liệt mà tính đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ LSCV cho hơn 1,13 triệu khách hàng với dư nợ hơn 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng…

Đặc biệt, trong Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp được Chính phủ ban hành mới đây, một trong những nội dung đáng lưu ý là đề nghị NHNN, ngay trong tháng 9/2021, phải chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan có liên quan xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế về hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không (HHK) giải quyết thanh khoản, bảo đảm nguồn lực để duy trì và phát triển.

Theo Hiệp hội Hàng không Việt Nam, năm 2020, doanh thu của các HHK đã giảm tới 50%, nhưng tám tháng đầu năm 2021 còn giảm mạnh hơn, cụ thể giảm hơn 90% so cùng kỳ. Từ đầu tháng 5 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế bị “đóng băng”. Trong khi đó, mỗi tháng các hãng vẫn phải chi hơn 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả lãi vay NH, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của VNA, Vietjet và Bamboo hiện đã lên tới hơn 40.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã đề xuất, Chính phủ kiến nghị Quốc hội (QH) cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các HHK, căn cứ theo quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng. Bên cạnh đó, dành cho các HHK vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4%/năm, thời hạn từ 3 - 5 năm.

Về vấn đề này, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, việc cứu ngành hàng không là công bằng. Đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, là ngành quan trọng với nền kinh tế, với du lịch và các ngành liên quan, cũng như với hội nhập quốc tế. Giải pháp hỗ trợ hiện nay gắn liền với quy định pháp luật, liên quan nhiều cơ quan, thủ tục, trong khi nguồn lực hạn chế. 

Phần lớn các NH và chuyên gia tán thành chính sách “cấp cứu” tín dụng cho các HHK. Hiện NHNN và các cơ quan liên quan vẫn đang nghiên cứu cơ chế tín dụng với các HHK. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, QH cần ban hành một nghị quyết giống như Nghị quyết tái cấp vốn cho VNA trước đây để các NH thực hiện.

Về đề xuất cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, theo tính toán của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - NH, dựa vào yếu tố thị phần, việc Chính phủ tái cấp vốn cho các HHK tư nhân như: Vietjet, Bamboo Airways… khoảng 4.000 tỷ đồng là hợp lý. Với mức cho vay tái cấp vốn này và thời gian cho vay ba năm (vay tối đa 12 tháng, được gia hạn tối đa hai lần) thì tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 480 tỷ đồng, là mức có thể chấp nhận được. Tuy vậy, nguồn lực từ cho vay tái cấp vốn của Chính phủ là có hạn, trong khi nhu cầu vay của các HHK lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì vậy, quan trọng nhất là phải có cơ chế tín dụng để NH và các HHK thỏa thuận với nhau về điều kiện vay vốn. Riêng về đề xuất các NH cho các HHK vay 25.000 tỷ đồng lãi suất 3 - 4%/năm, kéo dài trong 3 - 5 năm là bất khả thi, bởi nếu cho vay với lãi suất này, NH sẽ thua lỗ.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Các TCTD, DN muốn vay vốn phải chứng minh được phương án kinh doanh, nguồn trả nợ. Trong bối cảnh mọi đường bay gần như “đóng băng”, việc này là không thể.

Theo đại diện một NHTM cho hay, với Thông tư 14/2021/TT-NHNN vừa được ban hành, các HHK đã được gỡ khó với các khoản vay trước ngày 1/8/2021. Tuy nhiên, NH vẫn chưa dám cho các HHK vay mới. Chỉ khi QH, Chính phủ “bật đèn xanh”, ban hành quy định cho phép NHTM cho các HHK vay vốn lưu động, mà không cần phương án SXKD, thì NHTM mới dám cho vay. NH luôn sẵn sàng “bơm vốn” ra thị trường khi đủ điều kiện.

Cùng quan điểm này, Tổng Thư ký Hiệp hội NH, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, lãi suất hiện không phải là vấn đề lớn nhất. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao tháo gỡ được cơ chế để các HHK có thể vay vốn. Các TCTD không thiếu vốn, chỉ thiếu “room”. Sửa hành lang pháp lý để DN ngành hàng không có thể tiếp cận vốn là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.