Phát triển du lịch nông thôn

Sau đại dịch, nhận thấy nhu cầu về du lịch trải nghiệm, sinh thái, cộng đồng của người dân tăng cao, nắm bắt điều này, các địa phương tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã nỗ lực khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có để hình thành các làng, thôn du lịch cộng đồng nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm các món ẩm thực truyền thống tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai.
Du khách trải nghiệm các món ẩm thực truyền thống tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai.

Khai thác tiềm năng sẵn có

Là vùng nông thôn duy nhất của TP Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có 11 xã, với diện tích rộng, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, độc đáo gồm đồi núi, đồng bằng, sông, suối, hồ, đầm… rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Đây cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa với 27 di tích, trong đó 6 di tích được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều lễ hội truyền thống và các làng nghề đặc trưng như nghề làm chiếu, nấu rượu cần, làm bánh tráng... 

Theo lãnh đạo huyện Hòa Vang, đây là những tiềm năng và thế mạnh phù hợp loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng đang được du khách ưa chuộng. Từ những thế mạnh này, thời gian qua, chính quyền huyện và các xã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân xây dựng, hình thành các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu du khách.

Từ năm 2017, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) bắt tay triển khai đề án “Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ Tu, gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng”. Theo đó, xã Hòa Bắc thành lập các nhóm phục vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gồm: cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh với sự tham gia của 62 hộ dân đồng bào Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Đề án được thực hiện bài bản, có sự hỗ trợ kiến thức của các chuyên gia, nghệ nhân, mở ra xu hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương.

Là một trong những hộ dân tích cực tham gia đề án, sau thời gian học hỏi, anh Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí) mạnh dạn đề xuất được địa phương hỗ trợ vay vốn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cắm trại, lưu trú, ăn uống với tên gọi là “Homestay A Lăng Như”. Năm 2019, Homestay A Lăng Như chính thức đi vào hoạt động, mở đầu cho hành trình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung. Từ khi có khu lưu trú, anh Như nhận đón nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu, khám phá cuộc sống, văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Qua đó, vừa khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Sản phẩm du lịch hấp dẫn

Cuối tháng 5 vừa qua, làng du lịch cộng đồng Thái Lai (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) chính thức khai trương. Theo lãnh đạo xã, dù nằm trong vòng xoáy đô thị hóa nhưng làng Thái Lai vẫn giữ được vẹn nguyên không gian làng quê đặc trưng của miền Trung Bộ xưa với các ngôi nhà cổ, đình làng có tuổi đời hàng trăm năm. Đến với làng du lịch Thái Lai, du khách được hòa mình vào cuộc sống làng quê, tìm về các giá trị văn hóa đặc sắc và thưởng thức ẩm thực truyền thống của địa phương. 

Là người sinh ra và lớn lên ở đô thị, khi đến làng du lịch Thái Lai, chị Đặng Hoài Thương (45 tuổi) không khỏi ngỡ ngàng trước sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm đặc trưng của làng quê Việt. “Tôi và cả gia đình rất ấn tượng trước vẻ đẹp yên bình và sự hiếu khách, thân thiện của người dân nơi đây. Các con tôi rất thích thú khi được tìm hiểu về nhà cổ, đình làng, được tự tay làm các món ăn truyền thống”, chị Thương bày tỏ.

Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, địa phương đang tiếp tục huy động các hộ dân tại làng Thái Lai tham gia tích cực vào mô hình làng du lịch cộng đồng; gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị của nhà cổ, vườn cây, bến đò… Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân hoàn thiện và đa dạng các sản phẩm phục vụ du khách dựa trên nền tảng sẵn có.

Vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 về thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo đó, huyện Hòa Vang đã tiếp nhận 36 hồ sơ đăng ký tham gia từ người dân các xã, gồm: 14 hồ sơ tại xã Hòa Bắc, tám hồ sơ tại xã Hòa Phú, sáu hồ sơ tại xã Hòa Ninh, hai hồ sơ tại xã Hòa Khương, một hồ sơ tại xã Hòa Phong; một hồ sơ tại xã Hòa Nhơn và bốn hồ sơ tại xã Hòa Liên. UBND huyện Hòa Vang đang kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Du lịch hỗ trợ lập quy hoạch phát triển du lịch một cách bài bản, khoa học, định hướng bền vững trên địa bàn huyện.