Nỗi lo tăng giá

Giá xăng dầu tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí tăng, ngân hàng thương mại “rục rịch” tăng lãi suất, sức ép lạm phát do khủng hoảng năng lượng toàn cầu và chính sách kích cầu nền kinh tế đang đặt người dân, doanh nghiệp trước hàng loạt thách thức mới.

Đời sống của người dân ảnh hưởng nhiều do giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Ảnh: HẢI NAM
Đời sống của người dân ảnh hưởng nhiều do giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Ảnh: HẢI NAM

Cái gì cũng tăng

Thu Hương, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết, thời gian gần đây đi taxi bỗng phát hiện giá cao hơn trước, thắc mắc thì được tài xế giải thích là do giá xăng tăng. Một bát bún bò đặt trên trang thương mại điện tử Shopeefood mà dân công sở như Hương hay gọi về ăn buổi trưa cũng bất ngờ bị “cõng” thêm 9.000 đồng do xăng tăng, rau đắt. 

Bà Hoàng Thị Thanh, người dân sống ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chạnh lòng chia sẻ, trước đây đi chợ chỉ mất 300.000 đồng/ngày cho bữa cơm gia đình bốn người, thì nay phải chi đến 400.000-500.000 đồng mới đủ. “Ngoại trừ thịt lợn là giá giảm, hầu hết các mặt hàng còn lại đều tăng giá 10-20%. Người bán hàng giải thích do giá xăng, giá vàng tăng”, bà Thanh nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, trao đổi ý kiến với Thời Nay, lãnh đạo một công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Gia Lai cho hay, khoai lang Nhật bán buôn cho thương lái có lúc rớt giá chỉ được 3.000 đồng/kg, nhưng chi phí logistics lên tới 4.000-5.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh, sau giãn cách, xe khách, taxi mới vận hành được khoảng 30% công suất nhưng đã phải chịu áp lực tăng giá đầu vào do xăng dầu chiếm tới 30-40% giá thành của vận tải.

Chiều 10/11, liên Bộ Tài chính-Công thương công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tiếp tục tăng 660 đồng/lít, trần giá bán lẻ là 24.990 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng/lít, trần giá bán lẻ là 23.660 đồng/lít. 

Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng dầu trong thời gian gần đây và là mức cao nhất trong vòng bảy năm qua (kể từ tháng 7/2014). Chỉ tính riêng trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm ba lần và giữ nguyên ba lần. Hai loại xăng phổ biến nhất là E5 RON 92 và RON 95 đã lần lượt tăng tổng cộng 9.775 đồng/lít và 10.289 đồng/lít.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra chiều tối 6/11, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, thời gian gần đây lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng nhiều mặt hàng đang tăng giá, đặc biệt xăng dầu, than, giá vận chuyển… do đó sẽ ảnh hưởng tới CPI các tháng tới. “Giá cả tăng mạnh, áp lực lạm phát là rất lớn, ảnh hưởng đời sống người dân cũng như năng lực cạnh tranh của hàng hóa”, Thứ trưởng Bộ Công thương cảnh báo.

Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 12/11, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng lưu ý, năm 2021 khả năng đạt được chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra. Hiện tại, đến hết tháng 10, lạm phát mới tăng 1,61%. Tuy nhiên, trong năm 2022, rủi ro lạm phát đang có một áp lực rất lớn.

Trước đó, phát biểu ý kiến tại tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2021 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, chỉ số lạm phát trung bình của quý III tăng 2,51%, chín tháng đầu năm 2021 tăng 1,82%, đây là mức tăng thấp trong các năm gần đây. Tuy nhiên, giá nguyên, nhiên, vật liệu vẫn tăng ở hầu hết các ngành. “Sự đứt gãy hàng hóa, nông dân được mùa nhưng không tiêu thụ được sản phẩm có thể khiến họ thu hẹp sản xuất, giá thực phẩm có thể tăng cao vào cuối năm”, ông Thế Anh nhận định.

Còn đó những nỗi lo…

Theo nhóm phân tích kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đang đối diện với áp lực lạm phát cao hơn năm 2021, một phần lớn nguyên nhân là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu. Hiện tại, chỉ số CPI của một số quốc gia phát triển đã đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây: Mỹ 6,2%, Anh 4,2%, khu vực châu Âu 4,1%...

“Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của lạm phát toàn cầu. Thêm vào đó, mức nền CPI thấp trong 10 tháng đầu năm nay giống như chiếc lò xo bị nén, sẽ khiến chỉ số CPI chịu áp lực lớn trong thời gian tới”, chuyên gia kinh tế vĩ mô của BVSC phân tích.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Vietnam phân tích, lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, theo cơ chế “nhập khẩu lạm phát”, đang chuyển tải một phần vào giá cả của Việt Nam, tạo nên một mặt bằng giá mới ở nhiều nhóm hàng hóa.

“Hiện tại, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, nên chấp nhận một mức lạm phát cao hơn để ưu tiên kích cầu, phục hồi kinh tế, sau đó sẽ điều chỉnh sau. Tôi cho rằng đây là một lựa chọn chính sách, cần cân nhắc trong phạm vi kiểm soát bởi vì lạm phát cao có thể đẩy tăng trưởng lên nhưng có hệ lụy là ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, đến sức khỏe của doanh nghiệp…”, TS Bình lưu ý. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, việc cơ quan quản lý lên tiếng cảnh báo lạm phát có thể là thông điệp không vui cho doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì rất có thể, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Các tổ chức tín dụng dường như không thể tiếp tục “gồng” lãi suất được nữa. 

Ông Minh nói, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi, dư nợ tín dụng sẽ tăng vào quý IV/2021. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có động thái tăng lãi suất cơ bản nhưng tuần qua, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Ngân hàng thương mại đã nhìn thấy trước áp lực về nguồn vốn cho vay ra, nên đã bắt đầu tăng lãi suất huy động để hút tiền vào.

“Gần đây, nhiều người hỏi liệu còn dư địa để giảm lãi suất cho vay hay không. Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng lãi suất sẽ có xu hướng đi ngang. Chậm nhất hết quý I/2022, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại, tuy nhiên mức tăng lại sẽ không quá cao do phần lớn doanh nghiệp còn đang khó khăn nên vẫn cần môi trường vĩ mô ổn định để hồi phục”, ông Minh phân tích.

Đánh giá tác động của lạm phát đến doanh nghiệp trong thời gian tới, Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta nhận định, giá cả tăng khiến lạm phát tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng công cụ để rút bớt tiền về như tăng lãi suất điều hành, hệ quả tiếp theo là các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất cho vay, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, chi phí doanh nghiệp sẽ tăng, giảm sức cạnh tranh hơn.

Điểm sáng

Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để giảm áp lực tăng giá thành, Bộ Công thương đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn để bình ổn giá xăng dầu, nên giá trong nước tăng thấp hơn giá thế giới. Trong hai năm 2020 và 2021, Chính phủ đã có năm đợt hỗ trợ giảm giá điện với số tiền 16.650 tỷ đồng. “Khi yếu tố đầu vào tăng có thể làm tăng giá điện, nhưng chúng tôi đã báo cáo Chính phủ trong năm nay không tăng giá điện”, ông Hải nói.

Hiện tại, gói cấp bù lãi suất 4%/năm, quy mô 20.000 tỷ đồng/năm trong hai năm 2022, 2023 đang được Bộ Tài chính xây dựng. Sau khi được phê duyệt, gói cấp bù lãi suất này sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí lãi vay, tăng thêm vốn để phục hồi sản xuất.

Thêm một tin vui nữa cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền và quy định của pháp luật để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.