Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười (7-11-1917 - 7-11-2017)

Nhìn từ NEP, thấy gì ở Việt Nam

Năm 1921, Liên Xô non trẻ vừa ra khỏi cuộc nội chiến. Giữa vô vàn khó khăn vì sự bao vây của các nước đế quốc tư bản, để đất nước vượt qua khủng hoảng, V.I. Lê-nin đã đưa ra Chính sách kinh tế mới (NEP). Đây là một đột phá mạnh mẽ trong tư duy kinh tế - chính trị để xây dựng đất nước trong hòa bình của V.I. Lê-nin, là bước phát triển quan trọng về lý luận xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong hiện thực. Nhìn từ NEP, so sánh bối cảnh Việt Nam khi bắt đầu sự nghiệp Đổi mới, có thể thấy nhiều điểm tương đồng.

May mặc được xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ khi Đổi mới. Ảnh tư liệu
May mặc được xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ khi Đổi mới. Ảnh tư liệu

1/ Ở Liên Xô, mùa xuân năm 1921, nội chiến đã kết thúc nhưng đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội trầm trọng. Hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Khủng hoảng chính trị xuất hiện với những biểu hiện rõ nét: bất bình xã hội, âm mưu bạo loạn lật đổ, liên minh công nông suy yếu... Có thể nói, chính quyền Xô - viết lúc đó đứng trước bờ vực còn - mất.

Nhìn từ thực tiễn và với quan điểm biện chứng, hiểu rõ những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra, V.I. Lê-nin thấy rõ những biểu hiện khủng hoảng trầm trọng có nguyên nhân do chính sách Cộng sản thời chiến trong giai đoạn trước. Từ những nhận định này, V.I. Lê-nin đã đưa ra những phương thức chuyển đổi một cách cơ bản những chính sách cũ không còn phù hợp bằng Chính sách kinh tế mới (NEP) với những luận điểm nổi bật mang tính cách mạng, bước ngoặt và đột phá trong tư duy.

Trong NEP, những nội dung nổi bật được V.I. Lê-nin đốc thúc thực hiện cấp bách trong thực tiễn đời sống - xã hội bằng những biện pháp quyết liệt là:

Thứ nhất, phát triển tối đa lực lượng sản xuất. Trước tiên là trong nông nghiệp phải thay ngay chính sách trưng mua bằng mệnh lệnh từ trong nội chiến bằng chính sách thuế lương thực. Đây là đòn bẩy mạnh mẽ để phát triển nền sản xuất nông nghiệp đang kiệt quệ sau chiến tranh, trong đó đặc biệt chú trọng lợi ích của người nông dân. Theo NEP, người nông dân chỉ phải nộp một phần sản phẩm cho nhà nước, phần còn lại thuộc về họ và họ được tự do sử dụng phần sản phẩm này. Từ nông thôn, không khí tích cực phát triển sản xuất lan đến các khu vực khác của cả nền kinh tế.

Thứ hai, tổ chức thị trường, chấn hưng thương nghiệp. Thương nghiệp là “mắt xích” trọng yếu trong “sợi xích” kinh tế. Để bảo đảm việc lưu thông bình thường hàng hóa và phát triển thương nghiệp, NEP chủ trương ổn định đồng rup và củng cố nền tài chính quốc gia. Những chính sách này được đưa ra dựa trên sự nhìn nhận sửa chữa những sai lầm từ thực tiễn dẫn tới khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội sau nội chiến. Kết luận lớn nhất rút từ những sai lầm đó là không thể nóng vội thực hiện quá độ trực tiếp lên CNXH với một nước chủ nghĩa tư bản chưa phát triển cao như Nga. V. I. Lê-nin cho rằng “Thời kỳ quá độ (phải) là một loạt những bước quá độ”, phải qua những con đường gián tiếp chứ không phải “quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị”.

V.I. Lê-nin cũng chỉ rõ trong NEP: Phải sử dụng cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Thực hiện phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần mới huy động được sức mạnh của toàn xã hội cho việc phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động - điều trọng yếu nhất của bất cứ nền sản xuất nào.

Đi nhanh vào thực tiễn, NEP đã xác định đúng phương hướng, mục tiêu và biện pháp thực hiện, không chủ quan duy ý chí. Đó cũng là điều trọng yếu với đường lối lãnh đạo đất nước của một đảng cầm quyền. Ngay từ giai đoạn đầu thực hiện NEP đã cho thấy hiệu quả của nó. Từ NEP, nền kinh tế Liên Xô đã dần vận hành theo đúng quy luật khách quan và đã có những bước phát triển quan trọng. Liên Xô từ một “nước Nga đói” trở thành nước có nền nông nghiệp dồi dào, dần đi ra khỏi khủng hoảng. Những kết quả cụ thể đã lấy lại và củng cố lòng tin của nhân dân vào những lý tưởng tốt đẹp của CNXH.

2/ Từ góc nhìn so sánh, bối cảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 có nhiều nét tương tự bối cảnh Liên Xô những năm 20 của thế kỷ 20. Trên bối cảnh đó, nhiều đường nét của NEP đã được kế thừa thành công ở Đổi mới của Việt Nam sau đó 65 năm, từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986).

Và cũng giống như NEP, điểm xuất phát của Đổi mới ở Việt Nam trước hết là đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế: Bằng những biện pháp mạnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng; phát triển thương mại, từng bước thay đổi cơ chế quản lý kinh tế cũ bằng những cơ chế quản lý và thiết chế kinh tế mới phù hợp quy luật của kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh xuất khẩu và kinh tế đối ngoại...

3/ Giai đoạn lịch sử từ Đại hội IV (1976) đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1991) ghi nhận Đảng ta đã nhận thức được tình thế và có được giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, chuyển nền kinh tế vào thế ổn định và phát triển đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn. Thành công này thuận với ý nguyện của nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Cũng nhìn từ những lần điều chỉnh đường lối, sửa sai, khắc phục những hậu quả do sai lầm để lại, có thể thấy ý nghĩa của thực tiễn, của những bài học thực tiễn, của quan điểm thực tiễn khi vận dụng lý luận để xây dựng đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng. Những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống, thể hiện xu thế đổi mới tiến bộ, trong bối cảnh quốc tế mới cũng tạo những khả năng để sàng lọc, kiểm chứng tính đúng đắn của đường lối và cả phương pháp hoạch định đường lối, chính sách của Đảng. Nhìn từ NEP, V.I. Lê-nin để lại một tấm gương mẫu mực về sự nhạy bén và dũng cảm, kiên quyết đổi mới tư duy xuất phát từ thực tiễn. Bài học thực tiễn trong lịch sử xây dựng và điều chỉnh để đường lối cách mạng đúng đắn hơn vẫn cần được xem xét. Nhìn từ NEP có thể thấy rõ điều đó ở Việt Nam.

Vì nhiều nguyên nhân, NEP không kéo dài sau khi V.I. Lê-nin qua đời (1-1924). Những “khúc quanh lịch sử” ở Liên Xô đã không cho phép phát huy những thắng lợi của NEP. Điều này không diễn ra ở Việt Nam. Sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam được khẳng định và đã có nhiều thành tựu. Sau Đổi mới 30 năm, Việt Nam đã và đang hội nhập vào các “sân chơi” lớn, khẳng định vị thế và vai trò của mình tại cả các diễn đàn khu vực và thế giới. Sự nghiệp Đổi mới không thể dừng lại mà cần tiếp tục với tinh thần mới, trong bối cảnh mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững.