Nhiều mặt hàng tăng giá theo xăng, dầu

Sự leo thang của giá nhiên liệu thiết yếu là xăng, dầu đã khiến hàng hóa chịu sức ép tăng giá. Nhiều người dân thu nhập thấp phải chắt bóp mới đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, còn doanh nghiệp thấp thỏm lo cạnh tranh khi giá đầu vào đồng loạt tăng…

Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: NAM ANH
Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: NAM ANH

Thực phẩm cơ bản cũng tăng giá

“Cơn sốt giá mặt hàng phổ thông như trứng gà, loại thực phẩm cơ bản nhất trong bữa cơm đang như một chỉ dấu về sự bất ổn” là nhận định của TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia khi cảnh báo về “căng thẳng của lạm phát”.

Thực tế, trong điều kiện bình thường, giá trứng gần như chỉ giảm chứ không sốt, tuy nhiên những ngày gần đây, giá trứng bất ngờ đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, tại các chợ truyền thống, giá các loại trứng đều tăng cao so với năm ngoái. Tăng cao nhất là trứng gà công nghiệp và ở khu vực TP Hồ Chí Minh. 

Tại TP Hồ Chí Minh, giá trứng gà hiện tại ở ngưỡng 40-45 nghìn đồng một chục, tăng khoảng 10-15 nghìn đồng (khoảng 30-50%) so với cuối năm ngoái. Riêng trứng gà công nghiệp tăng gần gấp đôi, lên ngưỡng 35-40 nghìn đồng một chục. Trứng vịt cũng tăng khoảng 5-7 nghìn đồng/chục, lên 37-38 nghìn đồng/chục. Một tiểu thương kinh doanh lâu năm mặt hàng này tại chợ Tân Mỹ (TP Hồ Chí Minh) cho biết, giá trứng là mặt hàng ổn định nhiều năm nay, gần như không tăng, chỉ có giảm. Đây là lần đầu tiên giá trứng tăng cao như vậy. Tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Hồ Chí Minh), mặc dù có chương trình khuyến mãi, giá trứng gà vẫn đứng ở mức cao.

Cụ thể, trứng gà sạch TAFA có giá 32,5 nghìn đồng/chục, sau khi giảm giá vẫn còn 28,5 nghìn đồng/chục, trứng gà Ba Huân vẫn ở mức giá 33 nghìn đồng/chục dù đang áp dụng chương trình giảm giá sốc cuối tuần, trứng gà Happy 31,5 nghìn đồng/chục…

Tương tự, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội cũng ghi nhận giá trứng gà ta và công nghiệp tăng vọt. Đơn cử, tại chợ Nghĩa Tân, trứng gà ta có giá từ 40-45 nghìn đồng/chục, tăng khoảng 5-10 nghìn đồng/chục. Còn trứng gà công nghiệp loại mầu trắng và vàng đều có mức giá 35-37 nghìn đồng/chục. Chị Lý, một tiểu thương giải thích, giá bán lẻ tăng do mua từ mối buôn tăng...

Một tô bún ngan cũng tăng thêm 

5 nghìn đồng, lên 35 nghìn đồng sau khi bún tăng giá khoảng 20%, rau thơm tăng giá hơn 100%, thịt tăng khoảng 10%... Chị Hạnh, chủ quán bún ngan trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, mỗi lần nghe thông báo giá xăng lên là chị lại thấp thỏm lo âu khi giá đầu vào “cái gì cũng tăng theo giá xăng”.

Hàng hóa tăng giá cũng khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Chị Nguyễn Thị Hậu (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trăn trở: “Cuộc sống gia đình phần nào bị đảo lộn. Hiện, tôi phải lập sổ thống kê chi tiêu hằng ngày và chỉ chi cho những khoản cần thiết như xăng xe và đồ ăn. Vậy mà trung bình mỗi ngày các khoản chi tiêu của gia đình tôi đã tăng thêm hơn 70.000 đồng.

Giá xăng tăng phi mã cũng khiến cho doanh nghiệp phải đau đầu khi vừa mới thoi thóp vì dịch. Ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải xuất nhập khẩu Trần Quốc phải thốt lên rằng, nếu nhà chức trách không can thiệp nhanh, dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực bởi xăng, dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng, dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, giá gas trong nước biến động theo giá xăng, dầu và giá gas thế giới... “Chúng ta kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng (CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước) là vì sức mua của người tiêu dùng yếu nên cộng đồng DN chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để không tăng giá bán sản phẩm”, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.

Áp lực lạm phát

TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Bởi lẽ, sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm tới 50,98%. Mặt khác, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine chưa khắc phục được. Điều này đẩy giá nguyên, nhiên, vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lúc này chưa nói lên sức nóng của giá cả. Tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng, dầu đã lan vào giỏ thực phẩm, mâm cơm của người dân và chưa dừng ở đó. Theo ông Lâm, Việt Nam đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là 4% nhưng khi lạm phát tăng cao hơn sẽ gây sức ép tăng lãi suất, khi đó toàn bộ bài toán chi phí của mọi nhà, mọi doanh nghiệp, đất nước bị đảo lộn, sự ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng để có sự thịnh vượng, bị đe dọa.

Vì thế, ông Ngân nhấn mạnh rằng, cần phải chủ động từ xa để hạn chế thấp nhất tình trạng giá chuyển từ nóng sang sốt. “Đừng để lạm phát cao làm khó người dân, làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Ngân nói và cho rằng, cần chi thêm nguồn lực để giải vây giá xăng, dầu.

Giá xăng RON 95 đã lên ngưỡng 30.650 đồng/lít, sau khi tăng 670 đồng từ chiều 23/5; mỗi lít xăng E5 RON 92 cũng lên 29.630 đồng, sau khi tăng 680 đồng. Dù vậy, đà tăng này dự báo còn tiếp diễn khi giá dầu thế giới liên tiếp tăng trong những ngày qua.