Lo vốn cho doanh nghiệp phục hồi

Việc phục hồi kinh tế được đánh giá là quan trọng không kém gì công tác chống dịch, bởi nếu chậm trễ trong việc thực hiện “mở cửa” nền kinh tế thì nguy cơ suy thoái là không tránh khỏi. Đã đến lúc cần dồn lực lo cho doanh nghiệp (DN) - tiềm lực, trụ cột của quốc gia và cũng chính là lo cho cuộc sống người dân, người lao động.

Nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: SONG ANH
Nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: SONG ANH

Mở cửa cần “mở vốn” cho doanh nghiệp

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội triệt để khoảng bốn tháng, ở khu vực phía nam để phòng, chống dịch, kinh tế Việt Nam đã có sự sa sút rõ nét trong quý III/2021. Có tới khoảng 10.000 DN đóng cửa, dừng sản xuất, kinh doanh (SXKD), dẫn đến số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao. Hơn lúc nào hết, điều các DN đang cần là sự hỗ trợ các dòng tiền từ Nhà nước, nhằm duy trì hoạt động, cũng như bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ các dòng tiền từ Nhà nước, giãn nợ, hoãn nợ để DN phục hồi SXKD là vấn đề được bàn thảo khá kỹ tại buổi tọa đàm trực tuyến: “DN bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch” mới đây. Ở góc độ DN, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng, để xây dựng được một DN vững mạnh phải mất 20 - 30 năm. Để tránh các thiệt hại lớn do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ cần kịp thời có các giải pháp hỗ trợ DN. Với DN, khó khăn chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền. Ước tính, dịch bệnh khiến chi phí, thiệt hại của cộng đồng DN Việt Nam lên tới 200.000 - 300.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái phân tích, cần cho DN vay tạm ứng trước hoặc giãn thời gian đối với các khoản trả tới hạn. Nhờ đó, các DN có thể cân đối lại dòng tiền, duy trì hoạt động. Mặc dù việc giãn nợ có thể gây ra một số mất mát, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn việc để nhiều DN đang làm tốt phải ngừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền. Đối với các DN đã phải ngừng hoạt động, thiệt hại về nguồn tiền, sụp đổ thương hiệu đã xây dựng lâu năm là vô cùng lớn. Vì thế, Nhà nước cần mạnh dạn hỗ trợ DN, người lao động càng sớm càng tốt và hỗ trợ ở mức độ cao, dưới đa dạng các hình thức.

Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công thương TP Hà Nội) Lê Xuân Nghĩa nhận định, giờ là thời điểm chúng ta đang bắt đầu mở cửa trở lại nên DN phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động. Chúng ta cần và phải có gói kích thích “tiền tươi thóc thật” hỗ trợ DN. Tôi cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng nên được thảo luận một cách nghiêm túc.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thực tế cho thấy, cần phải “hà hơi tiếp sức” ngay để nền kinh tế có sức bật. Không có vốn, không có lao động rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Lâu nay chúng ta có thị trường ngoại tệ đang giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam quản lý (khoảng 107 tỷ USD). Từ trước đến nay chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. Chống dịch như chống giặc. Giờ giặc đã đến nhà, chúng ta chưa có chính sách đặc biệt. Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ DN thời điểm này. Mở cửa nền kinh tế, cần mở vốn cho DN. 

Hài hòa các mục tiêu hỗ trợ với ổn định vĩ mô

Là ngành có đóng góp rất lớn vào GDP Việt Nam, nhưng sau quãng thời gian dài đình trệ do dịch bệnh, nay mở lại SXKD, ngành xây dựng đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động trở lại. Ngoài việc đề đạt một số kiến nghị để giúp DN vượt qua khó khăn, theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp, vấn đề rất quan trọng với ngành xây dựng, một ngành thâm dụng vốn lớn, đó là lãi suất ưu đãi cho các DN.

Chia sẻ mong mỏi này, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn cũng khẳng định, mặc dù DN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, song nỗ lực tự thân của DN là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, cơ chế, môi trường để DN vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch. Cần ổn định chính sách tài khóa (CSTK), hỗ trợ DN có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để DN được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. CSTK cần thực hiện có trọng tâm. Đề nghị, NHNN điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các NHTM cơ cấu lại thời gian trả nợ, hoãn, giảm lãi suất cho vay (LSCV) đối với DN. 

Đồng tình với các đề xuất về giải pháp hỗ trợ DN vượt khó khăn trong đại dịch là chính sách vốn, thuế, kích cầu, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban Tổ chức Cuộc vận động Xây dựng và phát triển văn hóa DN cho rằng, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng. Đồng thời biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ DN thời điểm này... Chúng ta cần làm giải pháp một cách đồng bộ nếu không sẽ không thể hỗ trợ DN một cách hiệu quả.

“Đã đến lúc “vay cho tương lai sống cho hiện tại”, chúng ta cần tìm nhiều cách để vay. DN là tiềm lực, trụ cột của quốc gia, DN phát triển là quốc gia phát triển, DN giàu mạnh là quốc gia giàu mạnh”, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Thực tế, về việc điều hành lãi suất, từ đầu năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng LSCV hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm LSCV đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động và LSCV cuối tháng 8/2021 tiếp tục giảm so tháng 12/2020.

Khẳng định việc NHNN sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu nền kinh tế cần, nhưng không đặt ra vấn đề giảm điều kiện tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cảnh báo, tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho DN, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, không chỉ trung, dài hạn mà ngay tại nợ xấu trước mắt. Dễ dãi với tín dụng hôm nay có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt cho tương lai. Chính vì vậy, NHNN luôn song hành mục tiêu hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các CSTT phải hướng tới hài hòa hai mục tiêu này. 

Xem xét cơ chế lãi suất, dồn lực cho SXKD

Liên quan kiến nghị của DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm của mọi chính sách và hệ thống NH luôn quán triệt quan điểm này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sứ mệnh quan trọng nhất của NHNN là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chủ động cho các DN thiết kế kế hoạch SXKD. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ.

Minh chứng là khi DN và người dân bị tác động bởi dịch bệnh, NHNN vào cuộc quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng, các nghị quyết của Chính phủ, ban hành ngay thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Từ năm 2020 tới nay, riêng khoản miễn phí khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm và ước lượng tổng hỗ trợ từ hệ thống NH lên tới khoảng 60.000 tỷ đồng cho cộng đồng DN. 

Thống đốc NHNN khẳng định, thời gian tới, hệ thống NH sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. 

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng DN khi chủ động phối hợp các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các nghị quyết, nghị định, quyết định về các giải pháp giãn, hoãn, tiền thuế phải nộp, giảm thuế, tiền thuê đất, giảm các khoản phí và lệ phí. Riêng gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… nếu thực hiện từ nay đến cuối năm thì tổng kinh phí là 138.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các DN, góp phần để DN duy trì SXKD, bảo đảm đời sống của người dân.

Đối với đề xuất hỗ trợ vốn, bảo đảm không đứt gãy dòng tiền của DN, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho hay, dòng tiền này có mối liên hệ giữa CSTK và CSTT. Về CSTK, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các DN để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm chúng ta có nguồn lực hỗ trợ SXKD. Về phối hợp giữa CSTK và CSTT, Bộ Tài chính sẽ cùng NHNN nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với DN vay vốn NH có nguồn lực đẩy mạnh SXKD để hỗ trợ người dân và DN và nhằm phục hồi, phát triển kinh tế. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Quy mô hỗ trợ phải tương xứng ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi, các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa. Có cơ chế giám sát, kiểm tra sát việc thực hiện, chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách”.