Kiểm soát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trên thị trường đạt hơn 1.100 nghìn tỷ đồng. Quy mô thị trường TPDN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng quy mô dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TPDN thời gian qua đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn.

Phần lớn các lô trái phiếu doanh nghiệp đều được phát hành và mua bởi các ngân hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH
Phần lớn các lô trái phiếu doanh nghiệp đều được phát hành và mua bởi các ngân hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Siết chặt quy định

Ngày 10/11/2021, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN (Thông tư 16) thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN. 

Theo đó, Thông tư 16 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chú trọng việc xây dựng các quy định nội bộ nhằm giám sát và đánh giá định kỳ, cũng như quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân, quản lý rủi ro hoạt động giao dịch trái phiếu. Đồng thời, TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. 

Ngoài ra, Thông tư 16 cũng quy định cụ thể các trường hợp TCTD không được mua TPDN có mục đích phát hành để: (i) cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; (ii) góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; (iii) tăng quy mô vốn hoạt động. 

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó. Tổng số dư mua TPDN được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của NHNN Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. 

Về phía nhà phát hành, Thông tư 16 quy định doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm TCTD mua TPDN; phải cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi: Doanh nghiệp phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Thông tư 16 không quy định việc giao dịch trái phiếu do TCTD phát hành (chiếm khoảng 30% quy mô toàn thị trường) mà chỉ tập trung vào việc TCTD mua trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. 

Lơi lỏng trong kiểm soát

Theo thống kê của SSI Research, các ngân hàng thương mại là những nhà phát hành trái phiếu lớn nhất, cũng là những nhà đầu tư trái phiếu lớn nhất thị trường. Tính đến 30/6/2021, 28 ngân hàng đã mua lượng TPDN có số dư là 589 nghìn tỷ đồng, trong đó, trái phiếu do TCTD phát hành là 393 nghìn tỷ đồng và trái phiếu của tổ chức kinh tế khác là 196,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, Thông tư 16 chỉ điều chỉnh đối với việc mua trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, ước tính khoảng 200 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% quy mô thị trường TPDN.

Những quy định tương đối chặt chẽ của Thông tư 16 cơ bản có thể kiểm soát việc đầu tư TPDN trong hệ thống các TCTD nhưng sự lỏng lẻo trong kiểm soát các hoạt động liên quan TPDN tại các công ty chứng khoán vô hình trung đẩy toàn bộ rủi ro về phía nhà đầu tư cá nhân. 

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường TPDN đã xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp quy định của pháp luật tại các công ty chứng khoán, trong đó, có việc cung cấp dịch vụ liên quan TPDN của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất. 

Số liệu thống kê thị trường TPDN cho thấy, phần lớn các lô TPDN đều được phát hành và mua bởi các ngân hàng và các công ty chứng khoán. Đến 30/6/2021, ngoài các ngân hàng đang nắm giữ 589 nghìn tỷ đồng, các công ty chứng khoán đã mua khoảng 110 nghìn tỷ đồng TPDN. Hiện, có khoảng 50 công ty chứng khoán được UBCKNN cấp phép tham gia các hoạt động liên quan thị trường TPDN, trong đó hơn 50% thị phần tính theo giá trị phát hành thuộc về các công ty chứng khoán là công ty con hoặc dưới sự hỗ trợ của các ngân hàng như TCBS, TPS, HDBS, ACBS, VPS.

Thế nhưng, các công ty chứng khoán và các ngân hàng đều không phải là người sở hữu TPDN cuối cùng. Sau khi mua, họ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân thông qua mạng lưới giao dịch với nhiều hình thức. Bên cạnh đó, họ còn đóng vai trò tư vấn, quản lý tài sản... cho nhà đầu tư. Thông qua hệ thống mạng lưới rộng khắp, số lượng khách hàng lớn, các ngân hàng và công ty chứng khoán dễ dàng thuyết phục nhà đầu tư mua TPDN với lãi suất hấp dẫn hơn rất nhiều lãi suất ngân hàng cùng các điều kiện mua lại, thế chấp vay vốn khi cần thiết. 

Có một thực tế, nhiều lô TPDN, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản được thu xếp phát hành và mua lại bởi các công ty chứng khoán, các ngân hàng. Đặc biệt, các công ty chứng khoán này vốn là công ty con, công ty liên kết của các ngân hàng mà chủ ngân hàng ít nhiều có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu đó. Hiện tượng này cho thấy dấu hiệu các ngân hàng đã trực tiếp hoặc thông qua công ty chứng khoán để cơ cấu nợ, đảo nợ, bơm vốn cho doanh nghiệp bất động sản “sân sau” thông qua việc mua TPDN, sau đó, chuyển nhượng cho các nhà đầu tư cá nhân và đẩy rủi ro về phía họ. 

Các ngân hàng cũng là những người hưởng lợi nhiều nhất, ngoài việc thu phí và lãi, ngân hàng có thể “giúp” doanh nghiệp “sân sau” có tiền trả nợ vay đến hạn, qua đó “làm đẹp” bảng cân đối kế toán. Các ngân hàng đầu tư vào TPDN còn tránh được “lệnh” siết cho vay vốn với lĩnh vực này. Cùng với đó là “bơm vốn” cho các doanh nghiệp “sân sau” mà không phải trích lập dự phòng rủi ro. 

Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là NHNN và Bộ Tài chính cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thực trạng của thị trường TPDN để có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát rủi ro, minh bạch thông tin, để thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và quyền lợi của nhà đầu tư được bảo đảm.