Kích cầu nền kinh tế

Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, giống như nhiều nước trên thế giới, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức: Vừa nới lỏng chính sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải bảo đảm ổn định vĩ mô.

Doanh nghiệp đang cần nhiều sự hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Ảnh: LT
Doanh nghiệp đang cần nhiều sự hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Ảnh: LT

Tìm kiếm không gian, dư địa mới cho gói kích cầu

Trước diễn biến phức tạp của làn sóng thứ tư đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, những gói kích thích kinh tế đã và đang triển khai trong gần hai năm qua vừa chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh lại vừa có hạn chế, Nghị quyết kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đầu tháng 11/2021 đã yêu cầu Chính phủ ngay trong năm 2021 phải đề xuất ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội làm việc với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu cơ sở thực tiễn và khoa học, từ đó đưa ra gói hỗ trợ phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, gói hỗ trợ cần đủ lớn và có trọng tâm, phải khả thi và thực thi nhanh, tập trung cả phía cung và cầu, phối hợp hài hòa hiệu quả các chính sách vĩ mô, tạo sự thay đổi cho nền kinh tế nhưng phải an toàn, tránh lãng phí, hạn chế rủi ro.

Trên cơ sở nhiệm vụ cấp bách nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao chủ trì soạn thảo gói kích cầu mới. Chia sẻ với báo chí hôm 23/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, cơ quan này đã hoàn thành báo cáo về Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và trình Chính phủ cho ý kiến thông qua với 5 chính sách chính.

Đó là các chính sách về phòng, chống dịch Covid-19, chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách kích cầu đầu tư công và chính sách quản lý điều hành để bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát và rủi ro. 

Tổng quy mô chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội này có thể lên tới 800.000 tỷ đồng, được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023. Trong đó, năm 2022 là để phục hồi kinh tế và năm 2023 để kích thích phát triển.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023 nếu các chính sách phục hồi kinh tế-xã hội được thực hiện nhanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022 để xem xét 5 nội dung quan trọng, trong đó có đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội này. 

Ngay sau khi dự thảo Chương trình nói trên được công bố, nó đã gây được hiệu ứng mạnh đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều phiên tăng điểm đầy hứng khởi, một trong những nguyên nhân quan trọng được đánh giá là do tâm lý nhà đầu tư hưng phấn với “sóng” kích cầu. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương của gói kích cầu này.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra ngày 5/12/2021, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn giám sát tài chính quốc gia đã thay mặt nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia trình bày tham luận “Một số gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế”.

Theo TS Lực, Việt Nam và nhiều nước trên toàn cầu đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” do phải tính toán vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải thu hẹp một số chính sách hỗ trợ để hạn chế rủi ro lạm phát. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi hình chữ U, cảnh báo nguy cơ lỡ nhịp và tụt hậu nếu không kịp thời có chương trình hỗ trợ đặc biệt.

Bao nhiêu là đủ?

Trước đó, trao đổi ý kiến với báo Thời Nay, TS Cấn Văn Lực cho rằng, gói kích thích 800.000 tỷ đồng thoạt nhìn thì thấy rất lớn, nhưng con số thực chi sẽ không đến ngần ấy. Bởi vì phần giãn, hoãn nợ vay, lãi suất là ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp chậm trả; phần mà Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào doanh nghiệp chỉ là phần tạm ứng để đầu tư, sẽ thu hồi trong tương lai; phần chi cho đầu tư công thì có thể có phần trùng lắp với ngân sách đầu tư công 2,83 triệu tỷ đồng đã được thông qua…

Nhóm chuyên gia cũng bày tỏ đồng tình với gói hỗ trợ lãi suất quy mô 20.000-30.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đang xây dựng vì cho rằng nó khả thi và hấp thu được trong hai năm tới.

Tổng tài khóa dự kiến là khoảng 678.000 tỷ đồng, trong đó thực chi 383.000 tỷ đồng (chiếm 4,71% GDP 2021), trên cơ sở giả định GDP 2021 là 2%.

Bên cạnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng, hỗ trợ chính sách tài khóa. TS Cấn Văn Lực đưa ra dự kiến quy mô gói hỗ trợ tiền tệ là 65.000 tỷ đồng, giá trị thực tế 6.100 tỷ đồng (chiếm 0,08% GDP 2021). 

Về an sinh xã hội, bên cạnh những gói đang triển khai, ông Lực đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh quay về phía nam làm việc trong ba tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng (ngân sách mất khoảng 6.000 tỷ đồng) và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động mất 6.800 tỷ đồng. Tổng gói an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng (khoảng 0,16% GDP 2021).

Các gói hỗ trợ khác được đề xuất bao gồm giảm tiền điện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, SCIC đầu tư vào doanh nghiệp. “Tổng hợp quy mô gói 800.000 tỷ đồng này theo dự kiến phân bổ sử dụng của chúng tôi con số chính thức sẽ là 843.845 tỷ đồng trên danh nghĩa, thực chi là 445.760 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,48% GDP năm 2021”, ông Lực kết luận.

Cần kích cầu hiệu quả

Nhấn mạnh tính cấp thiết của chương trình, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm, đặt giả thiết GDP năm 2021 là 2%, nếu thực hiện chương trình này, GDP năm 2022 có thể đạt 6-7,5%, nếu không thực hiện thì GDP có thể chỉ đạt 3,5-4%.

Con số GDP phải đạt 6-6,5% như Nghị quyết Quốc hội đã giao chỉ tiêu, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng khó khả thi, trong bối cảnh GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91% và quý III/2021 xuống âm 6,17%. 

Tuy nhiên, theo PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nếu kinh tế năm 2022 không tăng trưởng được đến mức ấy thì đồng nghĩa chúng ta đang tụt hậu, vì gần hai năm qua doanh nghiệp và nền kinh tế đã quá kiệt quệ vì dịch bệnh.

Trao đổi ý kiến với báo chí, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, mức GDP 6-6,5% là mức tăng trưởng đột phá, muốn thành công cần có chính sách kích thích kinh tế cũng đột phá tương xứng.

Trước câu hỏi “nguồn lực ở đâu cho kích cầu?”, TS Lực cho hay, hiện nay dư địa chính sách tài khóa vẫn còn tương đối khả quan do mấy năm vừa qua được củng cố tương đối tốt. Nền tài khóa của Việt Nam được quốc tế đánh giá là vững chãi, còn dư địa sử dụng nhưng phải đi kèm với kiểm soát. Chính sách tiền tệ vẫn còn một phần dư địa, tuy nhiên ít hơn vì lãi suất đã giảm tương đối sâu.

Đánh giá về tác động đến vĩ mô, TS Cấn Văn Lực cho rằng khả thi. “Chúng ta có thể phải chấp nhận mức thâm hụt ngân sách 5,1% GDP trong năm 2022 và đến năm 2023 là gần 6% GDP. Nợ công và ngưỡng trả nợ của Chính phủ không có vấn đề gì cả, vẫn trong ngưỡng an toàn. Lạm phát và tỷ giá sẽ bị tác động không nhiều, nếu dòng tiền đổ vào các lĩnh vực hợp lý được sử dụng hiệu quả”.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, hiện tại dư địa điều hành chính sách  tài khóa còn lớn do thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách và trần nợ công trong ngưỡng cho phép. Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn. Với mức lạm phát đến cuối tháng 11/2021 thấp (CPI tăng dưới 2%, lạm phát cơ bản dưới 1%) và có khả năng dưới 3% cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể giảm lãi suất điều hành ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn,… qua đó đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống. 

Để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, ông Phước kiến nghị Quốc hội xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hằng năm dưới mục tiêu 4% mà có thể trong khoảng 3-5 năm, bình quân 4%/năm.

Vấn đề còn lại chỉ là thực thi gói kích cầu sao cho hiệu quả. PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết kế gói kích cầu đơn giản nhất dù là kích cầu doanh nghiệp hay là an sinh xã hội. Thực tế các gói 16.000 tỷ đồng, gói 62.000 tỷ đồng hay gói 38.000 tỷ đồng mới đây dù đã được cải thiện dần nhưng vẫn thiếu tính cụ thể ở cả điều kiện lẫn đối tượng thụ hưởng, vẫn còn nhiều vướng mắc ở khâu thực thi, khiến cho nhiều người không thể tiếp cận. 

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia lại tiếp cận vấn đề dưới một lo ngại khác. Ông Nghĩa cho rằng, bây giờ là lúc nên nghiên cứu “rút củi đáy nồi” cho chính sách tiền tệ. Bởi vì từ khi có quy định giãn, hoãn nhóm nợ, nợ xấu bỗng trở thành không xấu, ngân hàng bỗng tăng trưởng lợi nhuận trong khi dòng tiền khó khăn, chứng tỏ tồn đọng nợ xấu rất lớn.

“Phát triển không phải bằng mọi giá mà là phát triển để phục hồi kinh tế, nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.

(Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5/12/2021)