Gỡ điểm nghẽn đầu tư truyền tải điện

Những ngày qua, việc sửa đổi Luật Điện lực làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi nhiều ý kiến bàn luận về cơ chế thu hút tư nhân đầu tư truyền tải điện. Cụ thể, sửa đổi Luật Điện lực, Chính phủ đề xuất sửa khoản 2, Điều 4 theo hướng thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, trừ các dự án do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch điện lực quốc gia. Nhà nước sẽ độc quyền trong vận hành lưới truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, trong trường hợp chưa chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ thì nên tiếp tục nghiên cứu, lùi lại ở kỳ họp Quốc hội sau. 

Cần có cơ chế để tư nhân đầu tư vào các dự án truyền tải điện. Ảnh: EVN
Cần có cơ chế để tư nhân đầu tư vào các dự án truyền tải điện. Ảnh: EVN

Hiện nay, nhiều dự án điện đã xong nhưng không phát được hết công suất do thiếu đường dây truyền tải. Điều này không những gây lãng phí nguồn lực, thiệt hại cho nhà đầu tư, mà còn gây nguy cơ thiếu điện ở một số thời điểm tại miền bắc. Ngoài ra còn có tình trạng quá tải lưới điện truyền tải liên kết các miền và quá tải cục bộ tại một số khu vực. Việc cho phép và thu hút tư nhân làm truyền tải sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn trong truyền tải khi thời gian thực hiện nhanh hơn. Tuy nhiên, để tư nhân đầu tư mạnh vào truyền tải điện vẫn cần gỡ cơ chế.

Không có cơ sở triển khai các dự án

Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT-điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27%. Như vậy, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

EVN đánh giá, do tỷ trọng nguồn điện NLTT tăng cao, trong đó nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện NLTT lên tới 60% công suất phụ tải, nên công tác vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, xuất hiện tình trạng quá tải lưới điện truyền tải liên kết các miền và quá tải cục bộ tại một số khu vực.

Dù vậy, 51 dự án truyền tải điện cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn NLTT đã được Bộ Công thương cập nhật vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 6277/TTr-BCT ngày 8/10/2021, hiện không có căn cứ triển khai, dẫn đến việc bảo đảm cấp điện ổn định và an toàn gặp khó khăn. Bởi theo quy trình, các dự án lưới điện truyền tải này phải có trong quy hoạch điện được công bố thì mới có thể triển khai đầu tư.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cũng cho rằng, việc tăng cường phát triển lưới điện là một trong những yêu cầu Việt Nam phải thực hiện để đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050; cùng với việc kết hợp phát triển NLTT và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tăng lưu lượng dự trữ để cân bằng lưới điện, loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển, tăng tính linh hoạt trong nhu cầu sử dụng điện và nhiều chính sách cùng các hành động khác. 

Nhà đầu tư muốn cơ chế bao tiêu rõ ràng

Thực tế, đã có doanh nghiệp tư nhân tiên phong xây dựng dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp truyền tải đường dây 500 kV Trung Nam-Thuận Nam để giải tỏa công suất cho nhà máy và các nhà máy NLTT lân cận. Tập đoàn Trung Nam hơn một năm qua đã hoàn thiện và vận hành truyền tải lượng điện từ Nhà máy điện mặt trời 450 MW của Trungnam Group thông qua Trạm biến áp và tuyến dây 500 kV trên chỉ chiếm 8% trong quy mô truyền tải, phần còn lại là truyền tải hộ các nhà máy điện khác trong khu vực và nhà máy nhiệt điện Vân Phong trong tương lai. Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc trong bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống truyền tải 500 kV Thuận Nam khi chưa có giá bán điện cho phần công suất 172,12 MW (mới có khoảng 277,88/450 MW có giá bán điện).

Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian chờ bàn giao Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam-Vĩnh Tân với giá 0 đồng cho EVN, dự án vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chịu chi phí truyền tải cho Trạm biến áp 500kV. “Tuy nhiên dự án 450 MW đang bị cắt giảm công suất với tỷ lệ như các dự án điện mặt trời khác là một thiệt thòi và không công bằng cho nhà đầu tư”, UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định và cũng kiến nghị cần ưu tiên khai thác tối đa công suất nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW và sớm có giá bán cho lượng công suất điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa có giá bán.

Ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (đơn vị phát triển dự án điện gió La Gàn tại Việt Nam), một nhà đầu tư đã thực hiện nhiều dự án truyền tải ở Mỹ, Đức bày tỏ: Việc đầu tư tư nhân vào hạ tầng truyền tải tương đối phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, với điều kiện có khung pháp lý phù hợp. Các nhà đầu tư quan tâm đến việc tạo ra giá trị lâu dài của hạ tầng truyền tải và hợp lực với các dự án NLTT. Các cơ chế bao tiêu cũng phải được quy định rõ ràng, bởi các cơ chế bao tiêu vững chắc và dài hạn rất quan trọng để bảo đảm tính khả thi của dự án và lợi ích của các bên mua điện.

“Trong trường hợp chưa có cơ chế cụ thể về mua bán điện, các quy định về lợi nhuận thường được các chính phủ sử dụng để tránh độc quyền và bóp méo giá với các nhà máy điện khác, nhất là đối với các thị trường thiếu các lựa chọn thay thế. Hơn nữa, việc tận dụng các quyền ưu tiên hiện có là một giải pháp thay thế để giảm thiểu rủi ro chậm trễ do tiến độ thu hồi mặt bằng”, ông Sean Huang nói.

Gỡ điểm nghẽn đầu tư truyền tải điện -0
Nhà máy điện mặt trời 450 MW của Trungnam Group.
Ảnh: TRUNGNAM GROUP

Còn nhiều điểm chưa rõ

Lưu ý việc cho tư nhân đầu tư lưới truyền tải có thể sẽ tác động tới giá điện, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH nhận định: “Lúc đó giá điện có thể rất cao. Cần có đánh giá tác động, tránh ảnh hưởng tới người tiêu dùng”. Với tình huống này, ông Trần Văn Khải, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng lý giải rằng, do chi phí xây dựng đường truyền tải điện sẽ được tính vào giá bán điện cho người tiêu dùng. Khi mà, tư nhân sẵn vốn, sẵn sàng chi tiền đền bù cao hơn quy định nhà nước để “được việc”…

Do đó, bà Mai kiến nghị, phân định rõ lưới điện truyền tải nào mà thành phần kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành; loại nào do Nhà nước quy hoạch và giao EVN thực hiện.

Dẫn thực tế, hiện có thực trạng một số nhà máy điện mặt trời đã xây dựng nhưng không kết nối được với hệ thống, không phát được điện, GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc từng bước xã hội hóa hoạt động truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, theo ông, việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn. “Tôi cho rằng, việc vận hành lưới truyền tải rất phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện nói chung. Cho nên, việc cho tư nhân đầu tư truyền tải cần được xem xét kỹ lưỡng, không nên nóng vội”, GS Long nêu quan điểm.

Đề cập sự cần thiết phải sửa Luật Điện lực để tư nhân tham gia vào truyền tải điện, ông Trần Văn Khải, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH nhấn mạnh, cần sửa các điều, khoản về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đầu tư lưới truyền tải. “Nếu không có quy định cụ thể về quyền đấu nối, các nhà đầu tư tư nhân được giao “độc quyền tự nhiên” lưới điện truyền tải, điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ khác muốn đấu nối. Có trường hợp nhà đầu tư nhỏ sẽ phải tự thỏa thuận, tự bỏ chi phí rất lớn (có thể lên đến hàng chục tỷ đồng) mới được đơn vị tư nhân sở hữu lưới điện truyền tải cho đấu nối”, ông Khải nói.

Một điểm đáng chú ý trong đầu tư vào truyền tải điện là vấn đề thu hút vốn. Với những gì chưa rõ ràng hiện nay, ngoài con số mức phí truyền tải đang được tính rất thấp, khoảng 86,25 đồng/kWh (chiếm 4,63% giá điện bình quân, mức phí này dự kiến tăng lên cao nhất là 145,37 đồng/kWh trong giai đoạn 2021-2030), thì Báo cáo của Viện Nghiên cứu lập pháp và sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) khẳng định: Các phương án huy động vốn đều không khả thi, cho dù vốn đầu tư là nhà nước hay ngoài nhà nước. Kết quả mô hình hóa tài chính cho thấy, để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư lưới truyền tải sẽ cần tăng mức phí truyền tải lên từ 22,37% đến 52,90%, tùy thuộc tỷ lệ tham gia đầu tư của thành phần kinh tế ngoài nhà nước.