Giữ ổn định cân đối vĩ mô

Hiện, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và mức độ tác động đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) ra sao phụ thuộc vào sự nghiêm trọng của đợt bùng phát này, cũng như mức độ ứng phó của Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tin tưởng: “Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch Covid-19. Hy vọng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn”.

Việc duy trì khả năng sản xuất đã giữ cho xuất, nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều.
Việc duy trì khả năng sản xuất đã giữ cho xuất, nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều.

Việc duy trì khả năng sản xuất đã giữ cho xuất, nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều.Theo số liệu thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5-2021 ước tính tăng 1,6% so tháng trước và tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung…

TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ năm nay đã thay đổi. Dịch đến đâu khoanh vùng đến đó. Cho đến nay đã có một số khu công nghiệp (KCN) ở Bắc Ninh, Bắc Giang đang tạm dừng hoạt động để kiểm soát dịch bệnh, nhưng các KCN trên cả nước vẫn hoạt động bình thường. Đến nay, chưa thấy đứt gãy chuỗi cung và Chính phủ cũng đã chỉ đạo rõ: Không để đứt gãy chuỗi cung, nhất là trong các KCN nên vẫn bảo đảm khả năng sản xuất. Việc duy trì khả năng sản xuất đã giữ cho xuất khẩu và nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh trong nước. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so cùng kỳ năm trước.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao cách điều hành chống dịch chủ động và quyết liệt nhưng không để đứt gãy chuỗi sản xuất, giảm ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế và đời sống người dân của Chính phủ Việt Nam. Điều đó đã củng cố thêm niềm tin của người dân và doanh nghiệp (DN). 

Dẫn số liệu trong 5 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng đã có thêm gần 15.700 DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động, quy mô của DN mới cũng tăng tới 20% so cùng kỳ năm trước, Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn cho rằng, mặc dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhưng nhờ các biện pháp khoanh vùng dập dịch được triển khai kịp thời và quyết liệt nên đợt dịch này chưa ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất chung của cả nước. Số liệu thống kê cho thấy, niềm tin ở triển vọng vẫn gia tăng. Những số liệu về DN quay trở lại hoạt động và DN mới thành lập, quy mô DN đã thể hiện niềm tin này. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh KT-XH những tháng đầu năm vẫn còn những khoảng tối và những rủi ro. Mặc dù làn sóng dịch thứ 4 này tuy chưa tác động nhiều đến tình hình kinh tế và khả năng sản xuất trên góc độ số liệu thống kê, nhưng điều mà giới chuyên gia kinh tế lo ngại là khả năng chống chịu của DN vốn đã bị hao tổn khá nhiều sau các đợt dịch trước. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm đã có 8.000 DN giải thể tăng 32% so cùng kỳ năm 2020. Và có đến 31.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3%; 20.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, cán cân thương mại đã đảo chiều với mức nhập siêu ước tính vào khoảng 2 tỷ USD trong tháng 5 và tính chung 5 tháng nhập siêu khoảng 369 triệu USD.

Hiện, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và mức độ tác động của nó tới đời sống KT-XH ra sao phụ thuộc vào sự nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó của Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia của WB tin tưởng: “Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch Covid-19. Hy vọng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn”.

Nhắc đến một dẫn chứng để thấy tác động của đợt dịch này đến nền kinh tế là không nhỏ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, còn quá sớm để đưa ra những nhận định về những tác động từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Nhưng thực tế, trong bốn tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 1,29 tỷ USD, nhưng chỉ sau hai tuần đầu tháng 5-2021, tình hình đã ngược lại, nền kinh tế nhập siêu khoảng 350 triệu USD. Mặt khác, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5-2021 ước tính đạt 34.200 tỷ đồng, vẫn tăng 6,9% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 133.400 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước. 

Một điểm đáng chú ý nữa là diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Sau khi giảm nhẹ trong tháng 4-2021, CPI đã tăng trở lại trong tháng 5 với mức tăng là 0,16% so tháng trước. Hai nguyên nhân chính làm CPI tháng 5 tăng là giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng. Giá các mặt hàng này tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng. Nhưng bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Về vấn đề này, Cục trưởng Bùi Anh Tuấn lưu ý, nhập siêu, lạm phát, DN dừng hoạt động, đời sống người dân... đó là những vấn đề cần lưu tâm trong những tháng tới. Đặc biệt là sức chống chịu của người dân và DN đã giảm đi rất nhiều. Vì thế, ưu tiên chính sách cho thời gian tới là hỗ trợ DN tăng sức chống chịu, giữ việc làm cho người lao động để bảo đảm khả năng sản xuất của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ người lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, là lưu tâm đến lạm phát và nhập siêu và bảo đảm các cân đối vĩ mô, giữ cho vĩ mô ổn định.