Giữ đà hồi phục kinh tế

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… nhưng hoạt động sản xuất vẫn được bảo đảm. Năm tháng đầu năm 2021, xuất khẩu (XK) tăng mạnh so cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 5-2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản có sự gia tăng.
Trong tháng 5-2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản có sự gia tăng.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch (KN) XK hàng hóa tháng 5-2021 ước đạt 26 tỷ USD, tăng 35,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng, KNXK hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức tăng trưởng XK của khu vực kinh tế trong nước vẫn duy trì tốc độ ổn định, tăng 16,6%, đạt 33,06 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng KNXK.

Trong tháng 5-2021, KNXK nhóm hàng nông - lâm - thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản có sự gia tăng. Tính chung năm tháng đầu năm 2021, KNXK nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông - lâm - thủy sản tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Về nhập khẩu (NK), tháng 5-2021, KNNK hàng hóa đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so tháng trước. Tính chung năm tháng đầu năm, KNNK hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so cùng kỳ năm trước.

Theo Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công thương Trần Thanh Hải, hoạt động XNK sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK. Bên cạnh đó, các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động XNK có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố trọng điểm ở khu vực miền bắc như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô KNXNK đứng đầu của cả nước. Do đó, bản thân doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch Covid-19, đề xuất biện pháp để duy trì, phát triển thị trường XK; hỗ trợ DN tìm nguồn NK hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để bảo đảm ổn định sản xuất trong nước. Đối với nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, Bộ Công thương yêu cầu các phòng quản lý XNK khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O trong thời gian sớm nhất…

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này cũng tạo áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021. Việt Nam không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn đang hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Trung Tiến, dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng dần vào cuối năm, là do các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay do việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới. Ở trong nước, các DN cũng đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021. 

Dù tình hình kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm khá tích cực, song khi dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Bên cạnh nỗ lực chống dịch, thì điều vô cùng cần thiết là phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế, bên cạnh XK, tiêu dùng nội địa, thì giải ngân đầu tư công (ĐTC) được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Năm nay, đầu tư công tiếp tục được coi là một trong những yếu tố quan trọng của “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong bối cảnh này, có ý kiến cho rằng, cần tìm kiếm, thiết kế thêm các động lực tăng trưởng mới.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cần đặc biệt lưu ý, các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian trước mắt, trong đó có tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng lớn, trọng điểm; khẩn trương có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng…

Thách thức với nền kinh tế đang hiện hữu, nhất là khi đầu tư nước ngoài có xu hướng chậm lại, số DN rút lui khỏi thị trường tăng, lực lượng lao động giảm… Đáng chú ý là số lượng các DN quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, cho thấy sức chống chịu của DN đã suy giảm bởi dịch bệnh. Do đó, không thể để đà hồi phục của nền kinh tế bị chặn lại. Bên cạnh nỗ lực chống dịch, thì điều vô cùng cần thiết là phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, giải ngân vốn ĐTC, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.