Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Cùng với kênh phân phối truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản. Hơn thế, việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT còn giúp bà con nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) nông nghiệp Việt Nam hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) nông sản. 

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại giúp người nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại giúp người nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: HẢI NAM

Tận dụng mọi phương thức để lên sàn

Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sản xuất vải, nhãn năm 2021 tiếp tục được mùa. Dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340.000 tấn; sản lượng nhãn phía bắc ước đạt 300.000 tấn, tăng hơn 13% so năm 2020. Cùng với vải, nhãn, thời điểm này nhiều loại nông sản, trái cây như: xoài, thanh long, sầu riêng… bước vào mùa thu hoạch cao điểm. Đây là những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu (XK) lớn từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn tấn mỗi loại. Để hàng hóa nông sản lưu thông thông suốt trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các bộ, ngành đã có sự chủ động ngay từ đầu vụ.

Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đang chủ động lên kế hoạch cùng DN, thương lái và nông dân tiêu thụ nông sản... Ngoài việc tích cực thực hiện phương án tiêu thụ truyền thống như tiếp xúc các nhà tiêu thụ lớn đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và các thị trường XK đặc biệt như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU)… hay tạo điều kiện cho thương lái chuẩn bị tốt công tác thu mua, chế biến sản phẩm, vận chuyển đi tiêu thụ, hiện các địa phương rất chú trọng việc xúc tiến thương mại (XTTM) và bán hàng trên các sàn TMĐT như: Voso, Alibaba, Lazada, VN Post... để vải đi xa và nhanh đến tay người tiêu dùng (NTD) hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễ́n biến phức tạp trên diện rộng.

Tại Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19” vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, sau những nỗ lực từ nhiều phía, từ ngày 14-5, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã chính thức lên sàn TMĐT Lazada. Đây là kết quả hợp tác giữa Cục XTTM, Bộ Công thương, Sở NN&PTNT, Sở Công thương tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ và nền tảng TMĐT Lazada Việt Nam. Ngoài vải thiều, Hải Dương phấn đấu trước ngày 18-5 sẽ đưa từ 5 đến 10 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên bán trực tuyến qua các sàn TMĐT là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. 

Là đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng TMĐT, theo ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, mục tiêu hàng đầu của Lazada là đồng hành, hỗ trợ các DN, nhà bán hàng địa phương kinh doanh hiệu quả trên TMĐT. Lazada dự kiến sẽ phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong bốn giờ đến tận tay NTD tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để bảo đảm sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này. 

Trước đó, từ ngày 5-5, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công thương đã phối hợp sàn TMĐT Voso.vn (Vỏ sò), Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu thông qua sàn TMĐT và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”. 

Theo đại diện Cục TMĐT&KTS, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tồn đọng nông sản, không tìm được kênh tiêu thụ, nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ có những thiệt hại về kinh tế cho các hộ SXKD. Sau 10 ngày triển khai hỗ trợ tiêu thụ, đã có gần 10.000 đơn hàng được đặt với khối lượng lên tới gần 30.000 tấn hành tím đến được tay người mua.heo báo cáo từ sàn TMĐT Voso.vn, lượng đơn hàng vẫn tăng hằng ngày, trung bình tiêu thụ từ 3 - 5 tấn/ngày. Hiện tại, chương trình vẫn đang được Voso.vn phân phối với mức giá ưu đãi cho người mua và hỗ trợ phí vận chuyển. Ước tính sau khi kết thúc chương trình vào cuối tháng 5-2021, sẽ có khả năng hỗ trợ tiêu thụ khoảng 150 tấn hành tím cho bà con Vĩnh Châu.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giao thương trực tuyến

Việc đưa sản phẩm lên tiêu thụ trên các sàn TMĐT đã không còn là câu chuyện mới, tuy nhiên cùng với kênh phân phối truyền thống đang đóng vai trò quan trọng, TMĐT cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, HTX, DN nông nghiệp hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong SXKD nông sản. 

Theo đại diện Cục TMĐT&KTS, đơn vị luôn đồng hành với DN sản xuất, HTX địa phương, sản phẩm địa phương, thông qua các chương trình có ý nghĩa và hiệu quả như “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn TMĐT như: Voso.vn, Sendo.vn. Đây cũng là một trong những chương trình quan trọng của “Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần nhất định hỗ trợ DN địa phương, người nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh mới và ở góc độ nào đó nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT không hề đơn giản, bởi theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin XTTM, Cục XTTM, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của DN còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua TMĐT. Thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing... Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng TMĐT là việc DN có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay NTD, DN cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh DN. Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…

Để từng bước tháo gỡ những bất cập này, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, riêng trong tháng 5-2021, Cục sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của Hải Dương ở cả thị trường trong nước và XK theo các kênh kết nối trực tiếp và trực tuyến. Nhận thức của người sản xuất về thị trường và các yêu cầu thực tế liên quan chất lượng cần tiếp tục được củng cố. Chỉ khi DN nhận thức được đầy đủ những nội dung này, việc kinh doanh TMĐT mới có thể thành công.

Chia sẻ quan điểm này, Cục trưởng XTTM Vũ Bá Phú nhận định, đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT là nỗ lực lớn của các bên. Cục XTTM đã phối hợp các sàn TMĐT kết nối với các chuỗi cung ứng, bảo đảm hệ thống hậu cần đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên TMĐT. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, DN sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh. Nhằm hỗ trợ các DN và HTX, Cục XTTM đã mở các gian hàng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị lên sàn TMĐT thành công thông qua gian hàng chung này. Từ những thành công trên gian hàng chung, các hoạt động hướng dẫn, đào tạo sẽ được triển khai đồng bộ, từng bước hướng dẫn DN và HTX tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh, Trung Quốc hiện là thị trường XK chính các loại nông sản của Việt Nam. Để giảm áp lực lưu thông hàng hóa đưa lên các tỉnh biên giới XK sang thị trường này, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan. Về lâu dài, việc điều phối hàng hóa giữa các địa phương, các DN với các tỉnh biên giới để XK sang thị trường Trung Quốc là vấn đề cần phải triển khai. Nhưng dung lượng thị trường XK nông sản còn rất lớn, để tận dụng được cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, các DN cũng như các địa phương phải thay đổi cách giao dịch, XTTM, cần đẩy mạnh phương thức bán hàng trực tuyến. Ngày 8-6-2021 tới, một Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu trong và ngoài nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Singapore)... sẽ được tổ chức, do UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng là một minh chứng.

Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, thời gian tới, Vụ sẽ phối hợp Sở Công thương, Sở NN&PTNT các địa phương đánh giá sản lượng, nắm diễn biến thị trường để đưa ra kế hoạch tiêu thụ, tổ chức XTTM theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, Vụ cũng sẽ thường xuyên tiếp tục phối hợp Sở Công thương địa phương, DN phân phối, bán buôn, bán lẻ triển khai công tác XTTM, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.