Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiến độ xây dựng các dự án đầu tư. Chính quyền thành phố đang hành động quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt hơn 95% kế hoạch trong năm 2021.

Vốn đầu tư công được tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Vốn đầu tư công được tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Khó khăn không nhỏ từ dịch bệnh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, vốn đầu tư từ ngân sách thành phố năm tháng đầu năm 2021 ước thực hiện đạt 9.193 tỷ đồng, tăng 22,7% so cùng kỳ năm trước, so kế hoạch năm 2021 đạt 25,7%. Giải ngân vốn đầu tư công của thành phố khả quan là do dự án (DA) tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ước thực hiện hơn 895 tỷ đồng, chiếm hơn 33% khối lượng thực hiện chỉ trong tháng 5; DA nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 với quận Bình Thạnh có tổng vốn đầu tư hơn 473 tỷ đồng, hoàn thành trước ngày 30-4.

Ngoài ra, một số DA khác có khối lượng thực hiện khá cao như: DA hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); DA vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 2); DA xây dựng mới Trung tâm chuyên sâu sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1...

Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, DA tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang thi công lắp dây cáp điện trên toàn tuyến, gấp rút hoàn thiện nhà ga Ba Son vào cuối quý II - 2021; tính chung khối lượng toàn tuyến đến nay đạt hơn 85%. Còn tại DA tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), hiện khối lượng giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành, dự kiến khởi công xây dựng giữa năm 2022.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho hay, tình hình dịch Covid-19 phức tạp đã tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân các DA đầu tư trên địa bàn thành phố. Trong đó, đối với những DA ODA, các trang thiết bị, máy móc không thể nhập khẩu vào Việt Nam; nhân công, lao động bị giãn cách; khó khăn dẫn đến nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng, ảnh hưởng công tác thi công, nghiệm thu và giải ngân…, khiến tiến độ thực hiện bị chậm lại. 

Bên cạnh đó, một số DA ODA cũng chưa đáp ứng tiến độ do công tác đấu thầu, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vốn vay... Đơn cử như DA xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 (huyện Bình Chánh) sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đang phải điều chỉnh hiệp định vốn vay, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi nên chưa thể khởi công.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư đối với các DA có thu hồi đất, tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 27 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng, DA thu hồi đất trên địa bàn. “Bên cạnh đó, cần tăng cường tính minh bạch thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư công. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư công, nhất là về quy định, thủ tục, phương thức giải ngân cần tiếp tục được cải thiện theo hướng giảm tối đa chi phí và thời gian… Đặc biệt, cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên và chế tài rõ ràng đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đây là cách thức để tạo khí thế thi đua, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Ngược lại, các DA đầu tư chậm tiến độ, gây lãng phí cũng cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài phù hợp”, TS Nguyễn Trí Hiếu góp ý.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công -0
 Đoàn tàu metro đã nhập về TP Hồ Chí Minh.

Phấn đấu giải ngân hơn 95% năm 2021

Trước tình hình trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đến các sở, ngành với tổng số hơn 35.749 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 3.827 tỷ đồng và vốn ngân sách thành phố hơn 31.921 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu giá trị đạt từ 95% trở lên trong năm 2021, trước mắt, chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư đối với các DA có thu hồi đất. Đặc biệt, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành “Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021”.

Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và triển khai chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao. Định kỳ trước ngày mồng 2 hằng tháng, các cơ quan, đơn vị phải báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công (của tháng trước liền kề) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Mặt khác, UBND TP Hồ Chí Minh giao Kho bạc Nhà nước thành phố chỉ đạo hệ thống thanh toán cho các DA khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian bốn ngày làm việc, rút ngắn quy trình kiểm soát chi. Trao đổi với Thời Nay, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Nguyễn Hoàng Hải thông tin, cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc phối hợp các chủ đầu tư để rà soát, theo dõi việc tạm ứng, thanh toán tạm ứng theo đúng quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài các giải pháp đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho hay, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư đối với các DA có thu hồi đất. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9-3-2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng DA có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. 

Song song đó, theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng DA, đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các DA có tỷ lệ giải ngân thấp để kiến nghị điều chuyển sang các DA có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm hoặc DA đã có khối lượng hoàn thành, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn vào cuối năm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, UBND thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng DA; đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các DA có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển sang các DA có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm ngay trong năm. TP Hồ Chí Minh xác định, việc đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Mặt khác, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố khẩn trương tham mưu, trình UBND thành phố phê duyệt đơn giá bồi thường đối với những DA đã có quyết định đầu tư để làm cơ sở giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021. UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện được giao chỉ đạo và giám sát thường xuyên đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND phường, xã, thị trấn chủ động phối hợp chặt chẽ các chủ đầu tư, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch GPMB đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án đề ra và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để chậm tiến độ thực hiện GPMB các DA trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu chủ đầu tư các DA, đối với các DA đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa hoàn thành, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện DA theo đúng quy định. Cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng công tác thẩm định nội bộ, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ DA, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư.