Cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Nếu không tổ chức phòng, chống dịch tốt, không khôi phục được sản xuất, kinh doanh (SXKD), không chủ động được nguồn vaccine, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, còn doanh nghiệp (DN) thì ngoài việc phải tốn thêm nhiều chi phí để duy trì sản xuất còn luôn thắc thỏm nỗi lo mất thị trường. Kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để bảo đảm phục hồi SXKD của cộng đồng DN và cả các địa phương là yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay.

Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) đã phục hồi SXKD khi bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ảnh: LÊ DANH LAM
Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) đã phục hồi SXKD khi bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ảnh: LÊ DANH LAM

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Tại tọa đàm trực tuyến về giải pháp giúp DN chủ động thích ứng và sống chung an toàn với dịch Covid-19, hầu hết các DN, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nếu không phòng, chống dịch hiệu quả, thực hiện tốt chiến lược vaccine cũng như kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn thì những kịch bản kinh tế được đưa ra sẽ đối mặt nguy cơ bị phá vỡ. Cùng với đó, bằng mọi giá, các bộ, ngành và địa phương phải đồng bộ các chính sách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Dù đã chuẩn bị tâm lý cũng như xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ngay từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam hồi đầu năm 2020, song Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cũng không tránh khỏi bị tác động lớn đến hoạt động SXKD, trong đó khó khăn lớn nhất là tổ chức chuỗi cung ứng logistics. 

Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa chia sẻ, DN đã xây dựng kịch bản năm cấp độ ứng phó từ mức độ nhẹ đến nặng nhất và luôn sẵn sàng nguồn lực về cơ sở y tế, an sinh cho người lao động… để bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục. Dù vậy, DN vẫn gặp nhiều khó khăn do các bộ, ngành, địa phương chưa có sự thống nhất khi triển khai biện pháp chống dịch, triển khai tiêm vaccine cộng đồng.

Thực tế, DN không thể đóng cửa “ba tại chỗ” mãi được, bởi nhiều đối tác nước ngoài đưa ra điều kiện nếu áp dụng “ba tại chỗ” họ sẽ không ký lại hợp đồng nữa. Một số DN đã áp dụng mô hình “một cung đường - hai điểm đến”, nhưng cũng rất khó khăn.

Đơn cử như với các DN dệt may, tỷ lệ “phủ sóng” vaccine quyết định đến số lượng hợp đồng được ký kết. Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, nhiều đối tác đã yêu cầu, nếu tỷ lệ tiêm cao mới ký hợp đồng, trong khi đó, một số đối tác khác luôn đặt vấn đề bao giờ Việt Nam bao phủ tiêm vaccine? Thực tế, hiện không thể đưa Việt Nam trở thành nước không có Covid-19 như trước đây, mà sẽ chuyển sang thích ứng an toàn với dịch bệnh. 

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN ủng hộ chủ trương của Chính phủ là thích ứng an toàn với dịch bệnh. Song, DN mong muốn, Chính phủ tin tưởng và trao quyền cho DN. Bên cạnh đó, với các quy định mới cần có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành.

Thận trọng “mở cửa” và có lộ trình rõ ràng

TP Hồ Chí Minh - trọng điểm kinh tế của cả nước, sau nhiều tháng giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch, cũng đang từng bước hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Tại buổi gặp gỡ, lắng nghe góp ý về kế hoạch phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện hiện nay, thành phố cần tính toán phương án “mở cửa”, sẵn sàng tinh thần thích ứng an toàn với dịch bệnh vì không thể cứ mãi truy vết F0. 

Theo nguyên Viện trưởng Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Ninh, điều kiện cần để “mở cửa” là phải bao phủ vaccine, điều kiện đủ là 5K và các yếu tố khác. Đóng cửa, phong tỏa chỉ hợp lý khi chặn nguồn lây từ bên ngoài. Khi dịch lan rộng như hiện nay, việc chạy theo chặn nguồn lây sẽ “tưởng đúng hóa sai”, tốn kém nguồn lực. 

Cùng quan điểm này, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các bước đi đang được tính toán cẩn thận để tận dụng tối đa lợi thế. Hiện, đã có những dấu hiệu tích cực cho việc chuẩn bị dần cho lộ trình “mở cửa”. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sớm phủ kín vaccine cho người dân, đặc biệt lưu ý nhóm người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghệ cao (KCNC), khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN)… để tăng tính phòng thủ trong điều kiện “bình thường mới”. 

Về vấn đề này, nhấn mạnh sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định, thành phố cần từng bước “mở cửa” để sớm phục hồi. Nhưng “mở cửa” đi cùng với quản lý rủi ro, không được chủ quan, nóng vội. Đồng thời, thành phố còn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân.

Theo đó, chiến lược phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh không giới hạn ở khía cạnh kinh tế thuần túy mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ các chính sách về an sinh xã hội, y tế, lao động - việc làm, giao thông, giáo dục - đào tạo… Trong đó cần chú trọng đến việc hàn gắn liên kết vùng đã bị đứt gãy do thời gian giãn cách kéo dài nhằm đem lại hiệu quả, phải kịp thời để không vụt mất cơ hội phục hồi kinh tế.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Đề đạt kiến nghị tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN sản xuất tại các KCN, khu chế xuất, KCNC và cụm công nghiệp, đại diện Công ty Unilever Việt Nam đã bày tỏ mong mỏi, Chính phủ cần đẩy nhanh tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất trọng điểm. Đây cũng là nguyện vọng của các DN: Công ty hóa chất Hyosung Vina (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Far Eastern (Bình Dương)… đã đưa ra tại hội nghị này.

Là DN có hơn 6.300 lao động tại KCNC của TP Hồ Chí Minh, đại diện Công ty Nidec Việt Nam kiến nghị, DN khá băn khoăn về việc phục hồi sản xuất nhưng phải bảo đảm “tuyệt đối an toàn”. DN có phải đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện một ca F0? Hay chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy?…

Trực tiếp thay mặt Chính phủ giải đáp các kiến nghị của cộng đồng DN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, cụm từ “tuyệt đối an toàn” mà DN băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong DN. Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch bởi một KCN mà trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy. Mà F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động.

Được coi là điểm sáng trong việc vừa phòng, chống dịch và phục hồi SXKD, đến nay, cơ bản toàn bộ các DN ở trong và ngoài các KCN của Bắc Giang đã hoạt động trở lại, thậm chí một số DN đã mở rộng SXKD. Để có được thành quả này, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, ngay từ khi dịch bùng phát trong các KCN, Bắc Giang đã xác định rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để bằng mọi cách, mọi biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát trở lại, nhất là không để dịch xâm nhập vào các KCN, nhất quán quan điểm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất” và với phương châm bốn an toàn: “Công nhân an toàn, giao thông an toàn, nhà trọ an toàn, DN an toàn”.

Nhấn mạnh vai trò của các KCN với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Xác định việc khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ DN phục hồi SXKD là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, phục hồi SXKD, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay. Chính phủ, địa phương và DN đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi SXKD, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với DN, đồng hành cùng DN cho đến khi phục hồi xong SXKD.