Chủ động trước các kịch bản kinh tế

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay đã trải qua hơn hai năm, để lại nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế-xã hội cho các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến hầu hết các quốc gia phải thực hiện giãn cách xã hội diện rộng, khiến toàn bộ các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và đời sống người dân, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đột biến... Trước tình hình đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch, các quốc gia đã tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ. 

Từ đầu năm đến nay giá USD có xu hướng tăng nhẹ. Ảnh: SONG ANH
Từ đầu năm đến nay giá USD có xu hướng tăng nhẹ. Ảnh: SONG ANH

Các gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm thúc đẩy nhu cầu kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những nguyên nhân dẫn tới lạm phát gia tăng tại một số quốc gia. Đây là hình thái lạm phát do cầu kéo. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là sự gia tăng chi phí trở thành tác động kép lên lạm phát, gọi là lạm phát do chi phí đẩy. Ngoài ra, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài và việc phong tỏa diện rộng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã khiến chi phí các mặt hàng chủ yếu gia tăng đáng kể, gây áp lực rất lớn lên giá cả hàng hóa toàn cầu. 

Chính vì những tác động này khiến lạm phát tại một số quốc gia lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Tại Mỹ, vào tháng 4/2022, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 3, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 tại Mỹ. Trong đó, giá xăng tại Mỹ đã tăng 18,3% trong tháng 3, chiếm khoảng một nửa mức tăng chung của CPI, giá thực phẩm tăng 1%, giá nhà ở, bao gồm nhà thuê, tăng 0,5%. 

Tại châu Âu, theo số liệu của EU công bố tháng 4/2022, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 7,5% trong tháng 3. Nguyên nhân chính là chi phí năng lượng tăng 44,7% so với tháng trước do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt đã áp đặt tới Nga. Lạm phát đã trở nên nghiêm trọng tại một số quốc gia thành viên EU, trong đó Litva dẫn đầu với 15,6%, Đức là 7,6%, Pháp là 5,1%,  Italia là 7,0% và Tây Ban Nha là 9,8%. Tại Anh, lạm phát đã lên đến 7% vào tháng 3/2022, mức cao nhất kể từ năm 1992.

Để ứng phó với lạm phát, ngân hàng trung ương các nước đã đồng loạt tăng lãi suất cơ bản và bắt đầu các động thái siết chặt chính sách tiền tệ với mục đích giảm nhu cầu chi tiêu của người dân và doanh nghiệp. Tại Mỹ, ngày 4/5/2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất chủ chốt lên 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75 đến 1%, mức tăng lãi suất cao nhất trong một kỳ điều chỉnh kể từ tháng 5/2000. Đồng thời, FED cũng công bố kế hoạch giảm danh mục trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp mà họ nắm giữ trên bảng cân đối kế toán. 

Vào tháng 4/2022, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất lên mức 1%, cao nhất trong 13 năm qua kể từ năm 2009. Tháng 5/2022, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) khiến giới đầu tư bất ngờ khi tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm hôm 3/5, dù không lâu trước đó chính RBA phát đi thông điệp giữ lãi suất gần ngưỡng 0% đến năm 2024. Các nước thuộc EU đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát đang lan rộng tại các nước thành viên.

Việc các quốc gia đồng loạt tăng lãi suất, trong đó, đáng chú ý nhất là FED sẽ khiến các loại tiền tệ được định giá lại. Trong năm 2021, giá USD đã tăng 7% so với rổ tiền tệ. Lãi suất tăng khiến các đồng tiền chủ chốt tăng giá, chủ yếu là USD. 

Lãi suất cao sẽ kích thích giới đầu tư đổ tiền vào USD, được coi là kênh đầu tư khá an toàn trước những bất ổn địa chính trị trên thế giới. Biểu hiện cụ thể của hiện tượng này là lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã cán mốc 3% ngày 2/5/2022, tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Việc tăng giá các đồng tiền trong rổ tiền tệ sẽ khiến đồng tiền nội tệ của các nước (đặc biệt là các nước đang phát triển) mất giá tương ứng, đi kèm với lạm phát nội tại của quốc gia đó ở mức cao, sẽ khiến ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. 

Đối với Việt Nam, tác động của việc USD tăng giá về tổng thể không có quá nhiều ảnh hưởng. Với nợ công và nợ quốc gia, lãi suất USD tăng đồng nghĩa nghĩa vụ trả nợ của quốc gia tăng lên. Mặc dù nợ công toàn cầu đang tăng nhanh nhưng nợ công Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Nợ nước ngoài hiện nay đang ở mức 39% GDP (mức khá thấp so với các quốc gia cùng vị thế và khu vực), giảm so với mức 42% GDP bình quân giai đoạn 2010-2019. Theo Bộ Tài chính, vay nợ nước ngoài gồm nhiều loại ngoại tệ khác nhau, thời hạn dài (bình quân là 13,8 năm), lãi suất thấp (bình quân 1,35%/năm). Ở đây chúng ta cần lưu ý đến các khoản nợ của các doanh nghiệp theo phương thức tự vay, tự trả không được Chính phủ bảo lãnh, với hạn mức tối đa năm 2022 là 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên, với hạn mức này thì tác động của việc gia tăng tỷ giá không lớn. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, trong đó, công cụ tỷ giá được sử dụng rất hiệu quả, vừa bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền nội tệ nhưng vẫn hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Với nguồn dự trữ ngoại tệ khá dồi dào lên đến trên 110 tỷ USD, nguồn thu ổn định từ xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, kiều hối... bảo đảm cân đối cán cân thanh toán quốc gia, hỗ trợ cho việc vận hành công cụ tỷ giá. 

Bên cạnh đó, việc gia tăng lãi suất khiến các tài sản bị định giá lại. Trong hơn hai năm đại dịch, một lượng tiền khổng lồ được bơm vào các nền kinh tế trực tiếp tới từng người dân và doanh nghiệp. Dòng tiền này không đến được lĩnh vực sản xuất, sẽ chảy vào các lĩnh vực khác để tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt là thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, tiền điện tử... Chính vì thế, trong hơn hai năm qua, nhiều chỉ số tại các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đã lập đỉnh mọi thời đại, giá bất động sản tăng phi mã ở nhiều quốc gia, các đồng tiền điện tử liên tục tăng giá với mức giao dịch đột biến...

Việc tăng lãi suất sẽ khiến nhu cầu hàng hóa và chi tiêu của người dân, doanh nghiệp giảm xuống do chi phí tăng, cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc giảm sút sẽ khiến sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt là đối với Việt Nam khi mà thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ là hai thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất. Khi đó, dòng tiền sẽ bị rút về hỗ trợ sản xuất hoặc mua các tài sản có tính chất phòng thủ như vàng, ngoại tệ mạnh... khiến các tài sản bị giảm giá do bán tháo. Nếu không có cầu hấp thụ thì hiện tượng bán tháo sẽ lan rộng trên toàn thị trường tài chính. 

Việc giảm đột ngột của thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây cũng như hiện tượng giảm giá, mất thanh khoản tại một số phân khúc bất động sản, đặc biệt là những khu vực tăng nóng trong thời gian vừa qua là minh chứng rõ nét. Việc giảm mạnh của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đi kèm với thanh khoản sụt giảm đang bắt đầu tạo áp lực tăng dần lên hệ thống các công ty chứng khoán và các ngân hàng, khi mà hạn mức margin đang ở mức rất cao và các khoản vay thế chấp bằng bất động sản hoặc liên quan đến bất động sản đang chiếm tỷ trọng lớn. 

Việc tăng lãi suất có thể xảy ra hiện tượng rút vốn tại các thị trường mới nổi. Dòng tiền được rút ra do đồng tiền nước đó mất giá hoặc môi trường kinh doanh không còn thuận lợi và quay về các thị trường truyền thống như Mỹ, EU… nơi lãi suất đang tăng lên mức hấp dẫn và cũng là để tạm thời trú ẩn rủi ro. Các phân tích gần đây cho thấy, dòng tiền đầu tư ròng đang có xu hướng rút ra, trong khi dòng tiền đầu tư nước ngoài giải ngân thực tế và dòng kiều hối đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, hiện tượng rút ròng này được dự báo sẽ không nhiều như những năm 2008 và 2013 vì những động thái của FED đã được dự báo từ trước. 

Việc tăng lãi suất của FED dù có thể dự báo trước nhưng không thể xác định được FED sẽ tăng mức lãi suất bao nhiêu và tăng nhanh như thế nào. Theo ông Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Barclays, đây chính là rủi ro đối với các nền kinh tế đang phát triển, khi không thể chủ động trong các chương trình kích thích kinh tế cũng như vận hành chính sách tiền tệ. Khi đó, các ngân hàng trung ương cần phải chú ý các hành động của FED khi hoạch định chính sách của mình, đồng thời, phải tạo khoảng dư địa cho việc điều chỉnh các chính sách trước những hành động bất ngờ của FED, để không gây xáo trộn thị trường tài chính và biến động dòng vốn.