Cầu tín dụng có xu hướng tăng

Trong khi thị trường trung tuần tháng 4-2021 vẫn khá ổn định thì từ phiên giao dịch đầu tuần qua, ngày 26-4, lãi suất liên ngân hàng (NH) lại gia tăng. Cộng hưởng với việc tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) đang mạnh hơn tốc độ tăng trưởng huy động (TTHĐ) vốn, dường như dư địa cho việc điều chỉnh lãi suất cho vay (LSCV) đã không còn.

Các doanh nghiệp kỳ vọng tỷ giá cũng như lãi suất ổn định để có thêm cơ hội khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NAM ANH
Các doanh nghiệp kỳ vọng tỷ giá cũng như lãi suất ổn định để có thêm cơ hội khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NAM ANH

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính tới giữa tháng 3-2021, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) đạt 1,49%, TTHĐ vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 0,54%, trong khi TTTD lên tới 2,93% so đầu năm. So sánh tốc độ TTHĐ vốn và TTTD với cùng kỳ năm ngoái ở mức 0,51% và 1,31%, cả hai chỉ tiêu trong ba tháng đầu năm nay đều cao hơn và TTTD mạnh hơn TTHĐ vốn.

Theo giới phân tích, xu hướng tăng của tín dụng từ cuối năm ngoái được kéo dài trong giai đoạn quý I năm nay, trong khi huy động vốn tại hệ thống NH tăng chậm so mọi năm khi lãi suất NH ở mức kém hấp dẫn. Chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng được triển khai từ đầu năm cũng khiến lượng VND bơm ra hệ thống NH qua kênh mua bán ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam bị trì hoãn. 

Tuy nhiên, thanh khoản sẽ tương đối ổn định trong quý II. Mặt bằng lãi suất VND dự báo có xu hướng đi ngang, biên độ dao động trong khoảng 0,3 - 0,6%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và một tuần, 1,2 - 1,4%/năm đối với kỳ hạn ba tháng. Nền thanh khoản sẽ được duy trì nhờ kỳ vọng NHNN tiếp tục có định hướng nới lỏng thận trọng và chưa thay đổi lãi suất điều hành, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục sau khi bị tác động bởi đại dịch Covid-19, mặc dù nhiều ngành nghề vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Khả năng NHNN hạ lãi suất điều hành là tương đối thấp khi áp lực lạm phát đang có xu hướng quay trở lại với đà tăng của mặt bằng giá hàng hóa thế giới. Theo đó, các công cụ về lượng như thị trường mở, hạn mức tín dụng có thể sẽ được ưu tiên sử dụng để điều tiết thị trường. Bởi theo nhiều chuyên gia tài chính, nếu tín dụng tăng quá nhanh do nhu cầu vốn trong mở rộng sản xuất, đầu tư đón nhận các cơ hội mới, TTTD có thể sẽ tạo áp lực lên các NH trong việc đẩy mạnh huy động, từ đó khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm. Dự báo, lãi suất sẽ ổn định trong nửa đầu năm và có diễn biến tăng nhẹ trở lại vào cuối năm. 

Mặt khác, kế hoạch lợi nhuận của các NH năm 2021 tăng mạnh, tín dụng sẽ tăng theo và lãi suất không có nhiều cơ hội điều chỉnh giảm. Thực tế, kết thúc quý I - 2021, một số NH công bố đạt lợi nhuận trước thuế tăng cao so cùng kỳ năm ngoái như: MSB tăng 300%, VietinBank tăng 150%, MBB tăng 100%, ACB tăng 61%... Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý đầu năm, các NH đều đặt kế hoạch lợi nhuận cao trong năm 2021 như: SHB tăng 70%, Eximbank tăng hơn 60%, BIDV tăng hơn 40%, MSB và VIB dự kiến tăng 30%, MB tăng khoảng 25 - 30%, Techcombank tăng 25%, OCB tăng 15%… so năm 2020.

Diễn biến lãi suất liên NH từ đầu năm cho đến giữa tháng 4-2021 ở cả ba kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần duy trì dưới mức 0,5%/năm và dưới mức trung bình của năm 2020. Cùng chung diễn biến với lãi suất liên NH, trung bình lãi suất huy động kỳ hạn dài (12 tháng) tại cả ba nhóm NH vẫn đang ở mặt bằng thấp nhất kể từ năm 2017. Mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm, trung bình là 5,61%/năm, cùng kỳ năm 2020 là hơn 7%/năm.

Tuy nhiên, từ ngày 26-4, thị trường đã ghi nhận lãi suất chào bình quân liên NH tăng mạnh 0,23 - 0,25 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ một tháng trở xuống so các phiên trước đó. Cụ thể, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm ở mức 0,69%; một tuần 0,86%; hai tuần 0,93% và một tháng là 1,11%. Trong khi ở tuần kề trước thời điểm đó, thị trường vẫn bình ổn, lãi suất liên NH vẫn “đi ngang” ở mức 0,43%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,6%/năm với kỳ hạn một tuần.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân lãi suất liên NH tăng có thể do cầu tín dụng đang bứt tốc. Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 14-3-2021, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 3,34%. Trước đó, tính đến hết cuối ngày 31-3-2021, tín dụng nền kinh tế đã đạt hơn 9,46 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 2,93% so cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong hai tuần đầu tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,41 điểm phần trăm.

Mặc dù lãi suất liên NH tăng mạnh như trên nhưng vẫn chưa thể bằng đợt cao điểm sát Tết Nguyên đán vừa qua, khi lãi suất qua đêm khoảng 2,5%, thanh khoản hệ thống cũng chỉ bớt dồi dào. Chính vì vậy, nguồn vốn hỗ từ phía NHNN trợ trên kênh cầm cố (OMO) vẫn chưa có TCTD nào tiếp cận. Được biết, cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tới, nếu không có gì thay đổi thì những khoản tiền đầu tiên thông qua việc NHNN mua kỳ hạn ngoại tệ sẽ được trả về các NHTM. Thanh khoản hệ thống theo đó sẽ được củng cố một lượng tiền lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kỳ vọng tỷ giá cũng như lãi suất ổn định như thời điểm đầu tháng 4 để có thêm cơ hội khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Về vấn đề này, theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN), trong ba tháng đầu năm nay, xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn. Có thể khẳng định được định hướng cho thị trường cần có độ trễ nhất định. Qua quan sát, do thanh khoản hiện nay khá tốt nên trước mắt lãi suất vẫn sẽ ổn định và trong điều kiện có cơ sở tiếp tục kiểm soát thì lãi suất có thể điều chỉnh trong thời gian tới. Còn LSCV cũng giống lãi suất huy động, ngành NH phải cân đối lợi ích của cả người gửi tiền lẫn người vay vốn, cộng với bối cảnh của lạm phát, tỷ giá… thì LSCV cũng phải có diễn biến phù hợp mức độ thanh khoản, đầu vào của các TCTD, yếu tố khác của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, về cơ bản, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định.