Cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế

Từ khi thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì xuất khẩu (XK) của Việt Nam tăng rất nhanh, kéo theo độ mở kinh tế quá lớn (đến 200% GDP). Theo các chuyên gia kinh tế, cần phải đặc biệt lưu ý để kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Bởi nếu các thị trường nước ngoài có vấn đề thì ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) trong nước sẽ gặp khó khăn.

Việc lựa chọn đối tác cần thận trọng và tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ảnh: LAM ANH
Việc lựa chọn đối tác cần thận trọng và tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ảnh: LAM ANH

Báo cáo tại buổi làm việc mới đây với Đoàn giám sát việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết thì 12 FTA đã có hiệu lực, một FTA đã ký kết và phê chuẩn nhưng chưa có hiệu lực và ba FTA đang đàm phán. Kết quả thực thi hiệp định do QH phê chuẩn là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong vòng một năm kể từ khi chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam là tích cực. Cụ thể, về tăng trưởng XK, ngoại trừ Australia và Singapore giữ mức tương đương (do Việt Nam đã có quan hệ FTA trước đó) XK sang các thị trường khác trong năm 2019 đều tăng mạnh. Trong sáu đối tác đã thực thi CPTPP, XK sang Canada tăng mạnh nhất (29,8%) sau đó là Mexico (26,3%), đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới. Trong năm 2019 Việt Nam đã cấp 21.163 C/0 mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam XK đi các nước thuộc hiệp định này với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD.

Đánh giá việc tận dụng cơ hội từ CPTPP, dẫn báo cáo của các địa phương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ có khoảng 40% số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất, nhập khẩu với các nước CPTPP. Nhiều tỉnh, thành phố cho biết, số lượng doanh nghiệp (DN) quan tâm thị trường các nước CPTPP còn rất thấp so với thực tế.

Về kết quả thực hiện các hiệp định thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Chủ tịch nước hoặc phê duyệt của Chính phủ, theo báo cáo thống kê của Bộ Công thương cũng khá tích cực. Tổng kim ngạch (KN) XK của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 là 123,11 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng KNXK đạt gần bảy tỷ USD. Tổng KN nhập khẩu (NK) của Việt Nam sang các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD. Như vậy, về tổng thể Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA do hai thị trường NK lớn nhất hàng Việt Nam là Mỹ và EU đều chưa có FTA được đưa vào thực thi. Nói chung, các FTA với những đối tác có nền sản xuất mang tính bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile đem lại tác động tích cực hơn, cụ thể là Việt Nam ngày càng xuất siêu sang các thị trường này sau khi FTA có hiệu lực. Tuy nhiên, với các đối tác mang tính bổ sung thấp, thậm chí cạnh tranh với Việt Nam như một số nước ASEAN hay đặc biệt Trung Quốc, nhập siêu của Việt Nam có xu hướng gia tăng.

Đều khẳng định tác động tích cực của FTA với nền kinh tế, song ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc cũng nêu nhiều vấn đề cần lưu ý khi tiếp tục thực thi các FTA này.

Đại biểu QH Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH nhấn mạnh, từ khi thực thi các FTA thì XK tăng rất nhanh, kéo theo độ mở kinh tế quá lớn (đến 200% GDP), cần phải đặc biệt lưu ý để kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Nếu các thị trường nước ngoài có vấn đề thì ổn định KTVM của Việt Nam sẽ bị tác động và ảnh hưởng lớn.

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, hiện nay độ mở của nền kinh tế quá lớn. Đã đến lúc xem lại độ mở của nền kinh tế. Việc này không đi ngược lại chủ trương hội nhập. Nhưng có hai việc quan trọng là cần cập nhật chiến lược FTA, lựa chọn đối tác đàm phán cần rất thận trọng, có nguyên tắc và cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Nhắc đến thông tin nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có xu hướng gia tăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Mạnh Tiến lưu ý, cần cân nhắc giải bài toán này. Bộ Công thương cần phải đi đầu trong hoạch định chính sách để giải bài toán nhập siêu với các đối tác cạnh tranh với Việt Nam.

Còn theo ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, khi nhập siêu kéo dài quá lâu thì cái khổ nhất là tỷ giá. Và từ khi thực thi FTA đã hỗ trợ rất nhiều để giảm nhập siêu của Việt Nam.

Liên quan vai trò của QH trong việc giám sát thực thi các FTA, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, QH cần tham gia từ khâu đàm phán, bởi thực tế “có hiệp định sau khi ký rồi, đại biểu QH đi giám sát thấy bực bội lắm, là tại sao lại ký như thế?”.

Về vấn đề này, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn, QH cần rút kinh nghiệm, cần có các chuyên gia tham gia ngay từ khâu đàm phán chứ không chỉ cử chuyên viên như trước nữa. Mặt khác, một trong những nguyên nhân hạn chế trong quá trình thực thi FTA là tính sẵn sàng của các DN trong nước còn quá thấp. Nhiều năm nay vấn đề này hầu như chưa được cải thiện.

Liên quan nghĩa vụ công bố thông tin về DN Nhà nước (DNNN) theo Hiệp định CPTPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn giám sát tỏ ra lo lắng khi vừa rồi, qua giám sát về cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN thì không ít DN sau quá trình này “rất lười” công bố thông tin. Đề nghị cần đánh giá thêm về nội dung này, nhất là  khi theo Luật DN (sửa đổi) thì DNNN gồm các DN do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (trước đây nắm giữ 100% vốn điều lệ mới là DNNN).