Bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát

Mặc dù khẳng định mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4% trong năm 2021 theo yêu cầu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được, song áp lực lạm phát tăng cao vẫn rất lớn. Để bảo đảm mục tiêu cân đối cung cầu, bình ổn thị trường (BOTT), giảm tác động tiêu cực do lạm phát tăng cao, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: SONG ANH
CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: SONG ANH

Trong nội dung vừa công bố về CPI, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 4-2021 giảm 0,04% so tháng trước, tăng 1,27% so tháng 12-2020. So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 2,7% và bình quân bốn tháng đầu năm tăng 0,89%.

Theo Phó Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Trung Tiến, kết quả trên phản ánh sát biến động giá tiêu dùng trên thị trường. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1, chỉ có bốn nhóm hàng hóa có chỉ số CPI tháng 4-2021 giảm so tháng trước; sáu nhóm hàng có chỉ số tăng và riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định. Tuy nhiên, xét trong tổng chi tiêu dùng của người dân, bốn nhóm hàng giảm giá lại chiếm đến 60,1%; sáu nhóm hàng hóa tăng nhưng chỉ chiếm 34,2% và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép có giá không đổi, chiếm 5,7%. Do bốn nhóm hàng giảm giá với tỷ trọng lớn đã làm cho CPI chung giảm so tháng trước. Về mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2021, CPI bình quân bốn tháng đầu năm tăng 0,89% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng bình quân bốn tháng thấp nhất kể từ năm 2016, đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Tiến, vẫn không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và tăng dần từ nay đến cuối năm do bốn yếu tố: Thứ nhất, kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao, tạo áp lực lên lạm phát cả năm 2021. Thứ hai, giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Thứ ba, các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế, tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đi lên. Thứ tư, việc điều hành giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như: dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động đến CPI năm nay.

Dẫn kết quả khảo sát thực tế  ở thị trường trong nước, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết, tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại diễn ra bình thường. Các địa phương đều chủ động triển khai các kế hoạch có sẵn về phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Tuy nhiên, với mục tiêu bảo đảm cân đối cung cầu, BOTT, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, ngày 12-5, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, BOTT; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; góp phần bảo đảm thành công mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI bình quân khoảng 4% trong năm 2021 theo yêu cầu Quốc hội đề ra.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thực hiện các biện pháp BOTT theo quy định của pháp luật; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa BOTT trong tình hình hiện nay…

Tại Hội nghị trực tuyến quán triệt về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; cân đối cung cầu, bảo đảm nguồn cung, BOTT các mặt hàng thiết yếu diễn ra sáng 13-5, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương cần phối hợp, quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”. Một trong những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 chính là bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, BOTT phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trong mọi tình huống và phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống phân phối. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc tăng cường bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Nếu để tình trạng dịch bệnh lây lan phức tạp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa, gây hậu quả nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đối với công tác cân đối cung cầu hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, BOTT các mặt hàng thiết yếu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là nhiệm vụ chung, đề nghị các địa phương, đơn vị thuộc Bộ Công thương quán triệt nghiêm Chỉ thị 07 của Bộ Công thương. Tổng cục QLTT chỉ đạo các Cục QLTT tập trung triển khai giám sát thị trường, đẩy lên thành các đợt cao điểm để bảo đảm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về giá, găm hàng, lợi dụng đầu cơ, sản xuất hàng giả, đặc biệt chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các sản phẩm nhu yếu phẩm khác như: gạo, khẩu trang, thịt cá, rau quả… Nơi nào để xảy ra vi phạm quy định của ngành thì dứt khoát phải xử lý người đứng đầu.