Bảo đảm cung ứng thực phẩm trong dịp Tết

Giá lợn hơi giảm mạnh thời gian qua khiến nhiều người chăn nuôi lỗ nặng, hay việc ứ đọng lợn quá lứa làm cạn vốn, điều này đã đặt kế hoạch cung ứng thực phẩm dịp Tết trong thế bị động khi nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại. Do đó, cần có những giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất để bảo đảm cung ứng thịt lợn dịp Tết Nhâm Dần.

Lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước rất lớn, nhất là vào dịp Tết.Ảnh: NAM ANH
Lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước rất lớn, nhất là vào dịp Tết.Ảnh: NAM ANH

Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện có 901 xã của 43 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa qua 21 ngày. Đã có hơn 231.000 con lợn bị buộc phải tiêu hủy với trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 10.000 tấn, gấp gần ba lần so cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn.

Cục Thú y cũng nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát rất cao, do virus gây bệnh ASF có khả năng tồn tại ngoài môi trường, dễ xâm nhập vào nguồn nước, thức ăn chăn nuôi... Trong khi, hiện nay vaccine phòng dịch ASF vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối, chưa có trên thị trường, nên biện pháp tốt nhất vẫn là chăn nuôi an toàn sinh học.

“Hiện tại, đã xong bước kiểm nghiệm theo quy định, đã xong một lần khảo nghiệm tại Hà Nội cho kết quả tốt và đang khảo nghiệm lần 2 tại phía nam. Dự kiến tháng 12/2021 kết thúc, sau đó sẽ hoàn thiện trình Hội đồng khoa học xét duyệt. Nếu mọi điều tốt đẹp thì trong quý I/2022 sẽ xong”, ông Trọng nói.

Nhận định tình hình dịch ASF có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn cuối năm, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền bắc-miền trung dự báo: Giá thịt lợn có thể tăng trong dịp Tết, dịch tả lợn châu Phi có thể khiến một số địa phương thiếu thịt lợn cục bộ. Trong khi, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc và được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 2 vào cuối năm 2021.

Do đó, việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường vào những tháng cuối năm-thời điểm tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trong năm.

Cần vận dụng kế hoạch sản xuất “thời chiến”

Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, thông thường, thời điểm thả giống để phục vụ dịp Tết rơi vào khoảng tháng 7 hằng năm, bởi phải mất từ sáu đến tám tháng lợn mới có thể xuất chuồng. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự lợn quá lứa, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi trong những tháng qua đã tăng tới 40%.

“Điều này khiến các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng cạn vốn”, ông Trọng đánh giá và cho rằng: “Triển vọng giá lợn hơi có thể phục hồi mạnh vào cuối năm được xem là cơ hội cho các ông lớn của ngành chăn nuôi, trong khi lại là điều tiếc nuối với những hộ, trang trại nhỏ lẻ khi họ vẫn đang “mắc kẹt” với số lợn quá lứa, còn vốn đã cạn dần, chưa thể thả mới để kịp phục vụ dịp lễ Tết”.

Do đó, nếu không nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khâu tiêu thụ, tái đàn thì nguy cơ thiếu thịt lợn cục bộ trong quý IV/2021, Tết Nguyên đán năm nay rất cao. Ông Trọng cũng cảnh báo giá lợn hơi cuối năm có thể tăng cao do chịu tác động cộng hưởng thiếu cung và cầu tăng mạnh.

Nhận định về kế hoạch sản xuất để bảo đảm nguồn cung dịp Tết, ông Trọng cho rằng, cần vận dụng kế hoạch sản xuất “thời chiến” chứ không đơn thuần là những kế hoạch năm như trước đây. Tức là, vừa cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm, vừa phải có chính sách ưu tiên tăng lưu thông và chế biến. Đồng thời phải huy động sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp lớn.

Theo ông Trọng, đến nay, đàn gia cầm của Việt Nam hiện còn khoảng 518 triệu con, vẫn đủ nguồn cung thịt và trứng cho thị trường trong nước, một phần cho xuất khẩu. Tổng đàn lợn trên cả nước đạt 27 triệu con, đàn giống lợn con theo mẹ khoảng 4,7 triệu con. Trong đó, 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được đàn nái, đàn lợn thương phẩm chiếm khoảng hơn 23%, tương đương hơn 5 triệu con. “Bình thường, nguồn cung vẫn đủ cung ứng nhưng sắp tới sẽ có ảnh hưởng bởi tình trạng ứ đọng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là không tiêu thụ được bởi vận chuyển khó khăn, không xuất khẩu được.

Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khi ngành này vẫn có rủi ro lớn nên ngân hàng ngại cho vay”.

Bởi vậy, trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích các doanh nghiệp lớn thu mua cho người dân ở mức độ tối đa bằng việc lưu kho khi giá gia cầm hạ quá thấp. Điều này giúp chủ động một lượng nguồn cung, vừa giải phóng ứ đọng trong chuồng. Tuy nhiên, diễn biến dịch bất thường sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa dịp Tết nếu việc lưu thông còn khó khăn. Trong khi, các thành phố lớn lại có những đặc trưng khác nhau. Đơn cử như, ngành chăn nuôi TP Hồ Chí Minh chỉ tự cung cấp được khoảng 10%, còn lại 90% phụ thuộc nguồn thực phẩm từ địa phương khác...

“Bởi vậy, giải pháp mà Bộ đưa ra là địa phương phải thúc đẩy sản xuất chăn nuôi nông hộ, thực hiện nâng cao năng lực tự cung tự cấp. Đồng thời, để kích cầu sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước gia hạn các khoản vay ngắn hạn để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị dòng tiền trả nợ, đáo hạn các khoản vay dài hạn, nới rộng hạn mức cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay tạm trữ...”, ông Trọng nói.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, thời gian qua, xu hướng giảm giá kéo dài khiến các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lao đao. Do đó, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi cao tiếp tục gây áp lực lên các công ty và hộ chăn nuôi, nguy cơ thiếu thực phẩm Tết đang trở thành hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời…