Nan giải nợ đọng xây dựng cơ bản

Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) khiến hiệu quả đầu tư kém đi, chủ đầu tư (CĐT) không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện, công tác quyết toán hoàn công công trình chậm trễ, nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng, nhà thầu (NT) nợ lương công nhân, nợ vật tư, nợ ngân hàng, nợ thuế Nhà nước…,thậm chí một số DN phải giải thể hoặc phá sản.

Nợ đọng XDCB đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ quả xấu. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Nợ đọng XDCB đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ quả xấu. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Tràn lan nợ đọng

Theo Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 thì nợ đọng XDCB vốn ngân sách (NS) T.Ư là hơn 9.557 tỷ đồng. Còn theo số liệu nợ đọng do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) công bố, đến nay ước tính lên đến 30 - 40.000 tỷ đồng. Kỳ hạn nợ dài ngắn cũng khác nhau, trong đó có dự án (DA), gói thầu kéo dài tới 10 - 12 năm.

Phó Chủ tịch VACC Dương Văn Cận chia sẻ, tình trạng nợ đọng XDCB tại các DA đầu tư xây dựng trong cả nước khá phổ biến và nhiều năm nay diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ quả xấu, dẫn đến công trình thi công dở dang, kéo dài, đầu tư kém. Vấn đề này nếu không có biện pháp xử lý thì sẽ không có hồi kết. Có gói thầu của một DN nhỏ chỉ thi công trong ba năm, khoản nợ lên tới cả trăm tỷ đồng, chiếm 10% giá gói thầu, mặc dù DA đã quyết toán nhưng NT vẫn chưa được thanh toán.

Thực trạng này là bài toán chưa có lời giải của DN trong nhiều năm qua. Theo Tổng Công ty (TCT) CP Xuất, nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), nợ đọng XDCB của TCT có xu hướng giảm, song vẫn khá lớn, cần phải đặc biệt lưu tâm. Vào thời điểm ngày 31-12-2014, tình trạng nợ đọng của VINACONEX là 2.346 tỷ đồng, đến ngày 31-12-2015 giảm xuống còn 1.182 tỷ đồng và đến ngày 31-12-2016 ở mức 1.185 tỷ đồng.

Còn tại TCT Xây dựng Trường Sơn, tính đến ngày 31-5-2017, CĐT còn nợ DN này số tiền hơn 1.653 tỷ đồng. Trong đó, nợ năm 2017 là 439 tỷ đồng; năm 2016 là 542 tỷ đồng; năm 2015 là 254 tỷ đồng; năm 2014 là 162 tỷ đồng; năm 2013 là 157 tỷ đồng; và nợ năm 2012 về trước là 97 tỷ đồng. Cùng với giá trị sản xuất dở dang còn chưa được nghiệm thu là 991 tỷ đồng, hiện tổng số nợ tồn đọng của TCT này lên tới… 2.644 tỷ đồng.

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho biết thêm, nhiều DN vốn chỉ có 200 tỷ đồng nhưng nợ đọng XDCB lên hơn 1.000 tỷ đồng. CĐT không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện khiến NT nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít DN phải giải thể và có nguy cơ phá sản, đồng thời góp phần làm nợ xấu của ngân hàng (NH) tăng lên. Tình trạng tràn lan nợ đọng XDCB khiến hiệu quả đầu tư kém, nghiêm trọng hơn, tình trạng này đã, đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nan giải nợ đọng xây dựng cơ bản ảnh 1

Tình trạng tràn lan nợ đọng XDCB đang ảnh hưởng xấu đến an toàn nợ công. Ảnh: A.NAM

Đặc biệt, theo báo cáo Thẩm tra việc quyết toán NSNN năm 2015, nợ đọng XDCB vốn NS T.Ư và trái phiếu Chính phủ đến hết kế hoạch năm 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là 14.043,798 tỷ đồng, có đến 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới 7.227,3 tỷ đồng, nợ đọng XDCB của một số địa phương còn lớn. Riêng thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), đến ngày 31-1-2016, có 53 tỉnh, thành phố phát sinh nợ đọng XDCB 15.218,9 tỷ đồng. Việc giải ngân để thanh toán nợ đọng XDCB trong thực hiện NTM đang vướng mắc do không được phép thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành. Khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM của các địa phương là nguồn vốn cho xây dựng NTM rất eo hẹp thì tại nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng phê duyệt các DA vượt khả năng cân đối, dẫn đến nợ XDCB tiếp tục tăng lên tới 16.736 tỷ đồng (thời điểm ngày 31-12-2016).

Bổ sung cơ chế, giảm nợ đọng

Theo ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Trưởng ban Kinh tế kỹ thuật (Tập đoàn DELTA), có nhiều nguyên nhân dẫn tới nợ đọng XDCB hiện nay. Thí dụ, trước khi ký kết hợp đồng, NT tìm hiểu năng lực tài chính của CĐT không kỹ, năng lực của NT trong công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với CĐT còn yếu, chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả… Bên cạnh đó, CĐT không có nguồn tài chính bảo đảm, nên NH không bảo lãnh, gây khó khăn trong việc bán căn hộ. Không những thế, nhiều CĐT có đủ tiềm lực tài chính nhưng cố tình chây ì không trả tiền nợ cho NT, thậm chí tìm mọi cách để trì hoãn hay gây khó khăn trong hồ sơ thanh toán và quyết toán cho NT. Với những vụ việc này, nếu không giải quyết được bằng biện pháp thông thường thì nên đưa ra tòa án hay trọng tài kinh tế để giải quyết. Tuy nhiên, phương án này là bất đắc dĩ vì các bên đều bị thiệt hại và cũng phải mất một thời gian dài theo đuổi với đủ các phiền toái.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh quyết toán giữa CĐT và NT, tránh nợ đọng trong XDCB, trong pháp luật về đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các luật có liên quan khác cần có quy định bắt buộc CĐT phải có ngân hàng bảo lãnh vốn theo kế hoạch vốn của DA để chi trả cho NT theo hợp đồng đã ký kết, tương tự việc CĐT yêu cầu NT phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Điều này để bảo đảm bình đẳng giữa CĐT và NT.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, nếu NT bỏ thầu thì mất tiền bảo lãnh dự thầu, còn nếu gặp khó khăn xin rút thì mất tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Ngược lại, CĐT hoàn toàn không có sự bảo lãnh thanh toán 30% hợp đồng khi triển khai thực hiện được 60 - 70% khối lượng công việc.

Bên cạnh đó, nhiều NT cho rằng, đối với vốn ngoài ngân sách nhà nước (NSNN), trong quá trình xét duyệt cấp phép xây dựng cần phải có các quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của CĐT. Còn đối với DA dùng NSNN, ngày 10-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương. Theo đó, việc xử lý nợ đọng XDCB là nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư XDCB; đồng thời, là một trong các giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB. Đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB.

Từng là địa phương khá “nóng” về tình trạng nợ đọng XDCB, mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành công văn về giải quyết nợ đọng XDCB của các DA trên địa bàn. Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu UBND các huyện, thị xã có nợ XDCB thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ nghiệm thu công trình các DA còn nợ XDCB đến ngày 31-1-2017 để xác định chính xác số nợ thuộc trách nhiệm của các cấp NS. Điều chỉnh vốn năm 2017 theo hướng tập trung sử dụng toàn bộ các nguồn NS: phân cấp đầu tư cho phát triển, nguồn thưởng vượt thu, vốn đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn NS hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn hỗ trợ giao thông, thủy lợi… để thanh toán nợ XDCB của tất cả các cấp NS. Thời hạn hoàn thành trước ngày 30-6-2017. Chỉ khi nào xử lý xong nợ XDCB, nếu còn vốn mới bố trí cho các DA để tiếp tục thực hiện.

Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng đoàn giám sát, từng thẳng thắn chỉ rõ: Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng XDCB lớn. Đề nghị, đối với các địa phương còn nợ đọng XDCB thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt DA khi đã xác định được nguồn vốn. Cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, không cho phép DN tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công DA NTM khi chưa được bố trí vốn. Đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng XDCB.