Thời của OTA

Sự xuất hiện và phát triển của các website du lịch trực tuyến, mà phần lớn là các trang đặt phòng khách sạn, thường được gọi là OTA (online travel agency), đã tác động đáng kể đến thói quen của du khách cũng như cách thức vận hành của ngành.

Chị Đỗ Thuý Hằng, một người đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư resort, nhà hàng phân tích: Hiện nay, du khách đi du lịch với tính chất cá nhân (hay còn gọi là khách lẻ) hiếm khi đặt trực tiếp với khách sạn, còn thông qua các văn phòng, đại lý truyền thống thì chủ yếu là những người lớn tuổi, số còn lại phần lớn qua các OTA. Mặt khác, kênh OTA không chỉ có chức năng phân phối mà còn đóng vai trò PR, quảng bá cho các dịch vụ lữ hành rất hữu ích. Đại diện hệ thống resort Dusit Prince mới đưa vào vận hành tại Phú Quốc cho biết, thời gian tới đây họ cũng sẽ thông qua các kênh OTA để tiếp cận khách hàng nhằm giới thiệu nhiều tiện ích cũng như các mức giá hấp dẫn.

Mới cách đây 5 năm, việc truy cập vào các website OTA như agoda, booking.com hay ivivu, chudu24… vẫn còn là điều khá lạ lẫm với nhiều người. Số lượng các OTA “dùng được” tức có sự tin tưởng, dịch vụ phong phú, chăm sóc khách hàng tốt cũng chỉ đếm trên đầu bàn tay. Nhưng giờ đây, số lượng các OTA đã gia tăng gấp 2-3 lần. Có thể nói, không chỉ nỗ lực từ các OTA, sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng mà sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) cũng giúp cho vị thế của các OTA nhanh chóng thay đổi. Trước đây, các OTA sử dụng các kênh thanh toán thường là tiền mặt hay chuyển khoản thì giờ đây còn có cả ví điện tử. Chị Nguyễn Anh Khuê, chủ đầu tư khách sạn Cozy Boutique Đà Lạt bổ sung: Nếu chỉ chờ đợi vào nguồn thu từ những dịp lễ, Tết thì khách sạn sẽ không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng. Việc khai thác công suất phòng vào các dịp thấp điểm cũng rất quan trọng, và muốn vậy việc hợp tác với các OTA là điều bắt buộc phải thực hiện.

Vậy nguồn thu của các OTA sẽ đến từ đâu? Thông thường các khách sạn, resort sẽ chiết khấu cho các OTA vào tầm 20% giá bán của mình, kèm theo đó có thể là các thỏa thuận về doanh số tiêu thụ. Cũng có các OTA lớn sẽ được hưởng mức chiết khấu cao hơn nhưng doanh thu chắc chắc cũng phải lớn hơn để khách sạn có thể bù đắp nguồn thu. Có một thực tế là mức giá đặt phòng trên các OTA thường thấp hơn khoảng 20% so giá niêm yết của khách sạn, giả sử mức chiết khấu lại của khách sạn dành cho các OTA tiếp tục giảm 20% nghĩa là giá bán thực của khách sạn đến với người tiêu dùng đã giảm gần 40%. Đó cũng là lý do, mặc dù OTA thì nhiều, nhưng các khách sạn thường chỉ chọn hợp tác với những OTA có khả năng tạo ra doanh thu tốt cho mình với những thỏa thuận phù hợp nhất. Sự ra đời của nhiều OTA có thể nói là xu hướng tích cực khi du khách có nhiều hơn những sự lựa chọn. Tuy nhiên, thị trường nở rộ cũng sẽ dẫn đến giai đoạn thanh lọc. Những OTA xuất hiện theo kiểu phong trào, không thu hút được người sử dụng, cũng không bắt tay được với các đối tác sẽ khó lòng tồn tại.