Thế giới game

Bên cạnh trò chơi điện tử (game) chơi trên máy tính (game PC) thì game console đang ngày càng được ưa chuộng và hứa hẹn những dư địa kinh doanh tiềm năng. 

Game console hiểu đơn giản là các thiết bị chơi game có thể kết nối với màn hình, mà thường là TV tại gia đình, giúp trải nghiệm tại nhà một cách thoải mái nhất với ba thương hiệu lớn bao gồm máy Switch (của Nintendo), PlasyStation (của Sony), Xbox (của Microsoft)… 

Chương Huỳnh, một người bán (seller) có tiếng về các thiết bị game console tại TP Hồ Chí Minh, cho biết vào thời điểm giữa năm 2021, nhu cầu mua máy console tăng đột biến vì các gia đình cần thiết bị giải trí tại nhà trong mùa giãn cách xã hội. Họa sĩ Nguyễn Quốc Hoàng, đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh có kinh nghiệm tham gia một số dự án thiết kế nhân vật game, phân tích: “Sở dĩ các máy game console ngày càng được ưa chuộng vì đã được “lành mạnh” hóa, phá bỏ định kiến chơi game là “độc hại”. Rất nhiều game độc quyền của Nintendo hướng đến mục tiêu tăng cường vận động, cũng như rèn luyện trí óc cho lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên”. 

Có thể tạm xếp các máy chơi game console vào danh mục “thiết bị điện tử”, nhưng trong khi điện thoại, máy tính xách tay (laptop), loa di động… cũng thuộc nhóm ngành này bị nhiều nhà phân phối giành giật thì mảng game console hiện khá phân mảng, bao gồm một số hệ thống shop quy mô nhỏ và trung bình cùng các seller tự do trên mạng. Anh Giang Hùng, quản lý cửa hàng Herogame cho biết, những ngày đầu tháng 2, khi bản game dành cho máy Nintendo Switch là Pokemon Legends Arceus được phát hành tại Việt Nam thì hệ thống chúng tôi hoạt động hết công suất. 

Trong khi đó, An Tiên vốn là một diễn viên phim trực tuyến, lại chọn việc mở một cửa hàng bán máy console và đĩa game, thẻ game (game card) để trang trải cuộc sống và theo đuổi đam mê điện ảnh, kể lại: Việc bán mỗi game card đôi khi chỉ lãi 50-100 nghìn đồng, nên phải cần số lượng lớn để có nguồn lợi nhuận phù hợp. Cũng may mắn là đến thời điểm này công việc kinh doanh game của tôi vẫn phát triển khá ổn. Còn Huy Trần, một nhân viên bán hàng ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh lại cho biết, nhiều bạn trẻ sinh viên tập tành kinh doanh cũng chọn việc bán game card, đĩa game hoặc bán máy chơi game và trở thành cộng tác viên của một số cửa hàng, đáng chú ý là mạng lưới này cũng ngày càng phát triển. 

Dư địa lớn như vậy, nhưng hiện tại vẫn chưa có một chuỗi bán lẻ lớn liên quan đến game, hoặc các nhà phân phối lớn nhảy vào mảng này. Các cửa hàng bán lẻ game có tiếng như Halo, Trọng Lễ, Hero, nShop… có số lượng shop chắc chắn là kém xa so với các hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử khác. Điều này dẫn đến việc chưa có một mặt bằng rõ nét liên quan đến giá và chất lượng dịch vụ để thuận lợi hơn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, muốn mua giá rẻ thay vì đến cửa hàng thì có thể mua của người bán hàng, còn muốn được tư vấn kỹ lưỡng thì lại phải chọn cửa hàng, tuy nhiên người mua cần phải biết cửa hàng nào, người bán hàng nào. Có lẽ, sự đa dạng, chi tiết của mảng game không dễ để các nhà bán lẻ có thể tham gia và phát triển trên diện rộng. Nhưng với đà phát triển và nhu cầu ngày càng lớn của mảng game thì sớm hay muộn sẽ có sự tham gia của các nhà bán lẻ với quy mô lớn hơn.