Thận trọng khi đặt phòng khách sạn

Những ngày qua, một số du khách đã gọi đến đường dây nóng của TP Đà Lạt phản ánh tình trạng bị lừa đặt phòng qua mạng và mất số tiền đáng kể, thường là tiền cọc, hoặc thậm chí trả trước từ 50-100% giá trị đặt phòng. 

Nghe đến điều này, nhiều người kể cả trong ngành du lịch lẫn những du khách có nhiều kinh nghiệm “đi đây, đi đó” đều cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi rằng những kẻ trục lợi đã “lừa kiểu gì?”. Thực tế hiện nay du khách có ba kênh để đặt phòng, bao gồm: đặt trực tiếp với khách sạn, thông qua các kênh trực tuyến (OTA-online travel agent) kiểu agoda, booking.com… và các đại lý du lịch truyền thống. Đặt trong điều kiện lý tưởng, chẳng hạn các khách sạn uy tín, OTA có thương hiệu và các đại lý có nhiều khách quen thì gần như không có kẽ hở.

Nhưng lỗ hổng lại nằm ở việc một số cơ sở lưu trú tự xây dựng, tự đón khách khi chưa có giấy phép, chưa được thẩm định… đặc biệt ở loại hình homestay (lưu trú nhà dân). Điều cần nhấn mạnh ở đây là Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt cũng đã công bố cụ thể danh sách những homestay được cấp phép và cảnh báo cho du khách nhiều lần, nhưng các hoạt động trục lợi vẫn diễn ra và gây thiệt hại cho du khách. Thủ đoạn khá đơn giản, các trang facebook sẽ được lập, thậm chí cả website, rồi đăng tải những hình ảnh, thông tin “như thật”, sau đó tiếp cận với khách hàng và rao những mức giá ưu đãi, tiến đến nhận cọc. Khi các nạn nhân chuyển tiền, thì các kênh liên lạc lập tức “tàng hình”. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc khách sạn Sài Gòn Ban Mê, chia sẻ kinh nghiệm: Thực tế, du khách có thể kiểm tra lại với chính khách sạn dù đặt thông qua một đại lý nào đó, vì hệ thống hiện nay được số hóa và tiếp nhận rất nhanh. Du khách có thể hỏi khách sạn về các đại lý, đối tác của khách sạn để có quyết định phù hợp nhất. Có một thực tế là đang vào mùa du lịch cao điểm, các khách sạn liên tục đạt công suất 80-90% trở lên (kể cả ngày thường) dẫn đến việc khó tìm kiếm phòng nghỉ hơn. Điều này dẫn đến tâm lý du khách có thể trong lúc tìm kiếm phòng bằng được, sẽ bỏ qua một số bước kiểm tra hoặc “nghi ngờ” và từ đây bị trục lợi. Bản thân khách sạn Sài Gòn Ban Mê chúng tôi cũng chỉ ký kết với các đại lý OTA có tên tuổi và công bố rất cụ thể ngay từ đầu, sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của khách hàng.

Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt nhấn mạnh: Chúng tôi đã và đang nỗ lực kiểm tra những cơ sở lưu trú trái phép, quảng bá không đúng sự thật trên mạng, chưa được thẩm định nhằm xây dựng Đà Lạt luôn là điểm đến thân thiện và an toàn. Và chúng tôi cũng mong nhận được sự chung tay của du khách, thông qua việc sẵn sàng giải đáp các thông tin. Du khách cũng có thể yêu cầu các homestay cung cấp các giấy phép, chứng minh hoạt động hợp pháp của mình nếu cảm thấy nghi ngờ.