Thắc thỏm với tín hiệu khả quan

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I - 2021 cao nhất so cùng kỳ từ trước tới nay, thậm chí còn cao hơn mức cả năm của các năm từ năm 2010 trở về trước. 

Những con số như: bình quân một tháng đạt hơn 26,133 tỷ USD, trong đó tháng 3-2021 vượt mốc 29,65 tỷ USD… đều là những mức cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, tín hiệu khả quan này còn đang làm xuất hiện kỳ vọng xuất khẩu sẽ đạt 1 tỷ USD/ngày trong tương lai không xa.

Tăng trưởng XK đạt rất cao (23,7%), không chỉ so cùng kỳ các năm trước, mà còn so tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng đạt được ở cả hai khu vực. Khu vực trong nước đạt mức tăng khá cao (9,3%), thể hiện sự cố gắng của khu vực này trong việc khai thác nguồn hàng thuộc thế mạnh ở trong nước, cũng như tranh thủ các thị trường lớn, thị trường mới. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng rất cao (29,2%), nhờ thế mạnh về vốn, về kỹ thuật - công nghệ (KT-CN), về hiệu quả và sức cạnh tranh, về thị trường…

Tăng trưởng XK đạt được ở nhiều mặt hàng. Trong 45 mặt hàng chủ yếu, có 37 mặt hàng tăng, trong đó có các mặt hàng có mức tăng lớn, lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Mới qua quý đầu năm, đã có 23 mặt hàng đạt KNXK hơn 500 triệu USD, trong đó có 11 mặt hàng hơn 1 tỷ USD, đặc biệt có bốn mặt hàng hơn 5 tỷ USD…

Nhập khẩu (NK) cũng đã tăng trở lại với tốc độ cao hơn XK, đạt 26,8% so 23,7% của XK. Điều đó chứng tỏ, nguồn cung cho sản xuất bị đứt gãy một thời gian nào đó, ở một chuỗi cung ứng nào đó… đã được nối lại.

Trong quan hệ giao thương quốc tế, Việt Nam ở vị thế xuất siêu. Mức xuất siêu là hơn 2,794 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu là 3,6%. 

Tuy nhiên, theo giới phân tích, khu vực trong nước tăng trưởng thấp xa so tốc độ tăng chung và tốc độ tăng của khu vực FDI. Khu vực FDI vốn đã chiếm tỷ trọng lớn hơn, nay lại có tốc độ tăng cao hơn khu vực trong nước, nên tỷ trọng tổng KNXK của cả nước hiện ở mức rất cao và cao hơn cùng kỳ năm trước. 

Nếu tính theo thị trường XK, có 22/80 thị trường XK kỳ này đã bị giảm so cùng kỳ, trong đó một số thị trường có mức giảm lớn như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Ngược lại, trong 85 thị trường NK, có những thị trường tăng rất lớn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Thái-lan... NK từ Trung Quốc tăng tới 50,6% (hơn 8,18 tỷ USD), chiếm 32,2% tổng kim ngạch NK của cả nước, trong đó một số mặt hàng còn có tỷ trọng tương ứng lớn hơn như: máy móc, thiết bị, vải, xơ sợi dệt, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may da…

Có thể thấy, tính tổng số thì xuất siêu, nhưng xuất siêu lại do khu vực FDI, còn khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu rất lớn. Trong 85 thị trường chủ yếu, Việt Nam ở vị thế nhập siêu với 30 thị trường, trong đó lớn nhất là Trung Quốc (11,7 tỷ USD), tiếp đến là Hàn Quốc (7,47 tỷ USD), Thái-lan (1,7 tỷ USD), Malaysia (1,13 tỷ USD)... Nhưng các thị trường nhập siêu, chủ yếu là ở châu Á, nơi không phải là có KT-CN nguồn…

Điều này làm giới phân tích không khỏi thắc thỏm trước những tín hiệu khả quan của quý I vừa qua.