Nghịch lý nan giải

Giá thịt lợn ở các chợ truyền thống đang dao động từ 75.000 - 110.000 đồng/kg tùy loại, trong khi ở các siêu thị là 130.000 - 180.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại thịt mát của MeatDeli được bán với giá khá cao so giá bình quân trên thị trường, trong đó dòng cao cấp từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.

Trong khi đó, người chăn nuôi lại đang lỗ từ hai đến ba triệu đồng/con lợn khi giá lợn hơi xuống mức thấp 30.000 đồng/kg và người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá đắt. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc từng than thở, so giá thịt lợn nhập khẩu (NK) từ các nước, giá thịt lợn tại Việt Nam đang cao nhất thế giới. Trong đó, cứ loanh quanh tầng tầng lớp lớp khâu bán lẻ, đưa đến tay người tiêu dùng thì giá gấp đôi.

Vậy, số tiền chênh lệch đang chảy đi đâu? Ai là người thụ hưởng khoản chênh lệch này? 

Nguyên nhân của sự chênh lệch nêu trên được lý giải, giá lợn hơi xuống thấp nhưng giá thịt lợn bán ở chợ truyền thống, siêu thị vẫn cao gấp ba - bốn lần giá lợn hơi là bởi một miếng thịt lợn tới tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian như: thương lái, lò mổ, rồi đến chỗ pha lóc, bán lẻ... Nếu ở ngoài chợ dân sinh, thịt lợn sau khi giết mổ có thể đem ra sạp bán ngay thì ở trong siêu thị phải đóng khay, bảo quản, kiểm dịch, đóng thuế... Do đó, giá thịt lợn trong siêu thị chắc chắn phải cao hơn ngoài chợ truyền thống. Doanh nghiệp (DN) bán lẻ không có lãi nhiều.

Thực tế ngay cả với nhiều hộ chăn nuôi dù liên kết với DN chế biến, song giá xuống thấp thì DN cũng mua theo giá thị trường, chứ không có chuyện mua hơn quá nhiều. Liên kết ở Việt Nam không giống ở nước ngoài là chia đều lợi nhuận cho người chăn nuôi, giết mổ và bán lẻ, dẫn tới người chăn nuôi lỗ vẫn cứ lỗ. Người chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết nhưng thực tế chuỗi đó là của DN chứ không phải là chuỗi của người sản xuất. 

Không chỉ vậy, khi giá thịt lợn tăng cao, lợn hơi ở mức 90.000 đồng/kg thì cơ quan quản lý cũng chỉ họp với các DN chăn nuôi lớn yêu cầu hạ giá. Giờ đây, khi giá lợn hơi xuống thấp thì ai sẽ cứu người chăn nuôi?

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, tuy đặt mục tiêu vẫn bảo đảm thu nhập của người chăn nuôi nhưng phải duy trì giá ổn định ở mức thấp để bảo đảm an ninh lương thực, điều kiện dinh dưỡng cho người thu nhập thấp… Muốn làm được như vậy cần sự tham gia chia sẻ lợi ích của các DN lớn trong các khâu từ sản xuất đến giết mổ, chế biến và phân phối.

Thực tế, giá lợn hơi ở mức thấp trong khi giá thịt lợn bán lẻ cao hơn ba - bốn lần là nghịch lý diễn ra nhiều lần trong nhiều năm qua. Song, dường như đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp nào để hóa giải nghịch lý này, hay ít nhất cũng là phân chia lợi nhuận hợp lý cho các khâu của ngành chăn nuôi.