Ngăn chặn nạn ép giá khách

Hiện tượng ép giá khách là một nạn gây nhức nhối, tiềm ẩn rủi ro ở nhiều thành phố du lịch, đồng thời cũng gây ra nỗi ám ảnh, lo ngại cho nhiều du khách. Trước tình trạng này, các địa phương đang phát triển du lịch cần có giải pháp gì?

Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) Nguyễn Sỹ Khánh khẳng định: Việc xử nghiêm nạn “chặt chém” là nguyện vọng và yêu cầu của người dân tại địa phương. Người dân tại TP Nha Trang vốn dĩ hiền hòa, mến khách không thể chấp nhận việc có những đơn vị kinh doanh làm ăn bát nháo, thiếu tôn trọng du khách. Và điều này cũng bảo vệ cho cả những đơn vị kinh doanh chân chính. Nếu chính quyền làm tốt việc này sẽ bảo vệ được môi trường kinh doanh, đồng thời khiến người dân địa phương hài lòng và họ sẽ trở thành đại sứ du lịch cho quê hương, đem lại rất nhiều điều tích cực. 

Đồng quan điểm này, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho rằng: Ngăn chặn hiệu quả nạn “chặt chém” vừa bảo vệ thương hiệu của địa phương, vừa ghi điểm trong mắt du khách. Trong bối cảnh du lịch đang trên đà phục hồi hiện nay, tiêu chí an toàn, an tâm cho du khách lại càng được chú trọng, nên chính quyền các cấp quyết tâm làm bằng được.

Có một thực tế là xử lý hiện tượng “chặt chém” muốn hiệu quả phải theo tiêu chí “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ông Lê Anh Kiệt chia sẻ, đường dây nóng của TP Đà Lạt liên tục tiếp nhận thông tin từ người dân, du khách và cố gắng phản hồi nhanh chóng. Có những thời điểm thông tin dồn dập, quá tải, chúng tôi phải rất vất vả xác minh, xử lý, phản hồi cho người dân, nhưng cực mấy cũng phải làm. Theo quan điểm của tôi, một kênh đường dây nóng hiệu quả gián tiếp giảm đi hiện tượng “chặt chém”. Bởi lẽ, chỉ cần một quán ăn, nhà hàng nào đó có ý định “chặt chém” mà bị phản ánh và xử lý kịp thời thì những chỗ khác, nếu có ý định, sẽ phải dè chừng. 

“Tôi có rất nhiều “cộng tác viên” là anh em, bạn bè, thường xuyên theo dõi qua các kênh khác nhau để nắm thông tin và chỉ cần có dấu hiệu là họ báo ngay và tôi sẽ tiến hành xác minh, xử lý. Thú thực công việc rất bận, nhiều khi anh em gửi thông tin không kịp trả lời, nhưng dù bận đến mấy, cuối ngày cũng phải phản hồi, cảm ơn mọi người”, ông Nguyễn Sỹ Khánh kể lại. 

Từ những câu chuyện và kinh nghiệm nêu trên, có thể thấy, các cấp quản lý tại địa phương đều phải “chịu cực” trong thời gian đầu để tạo ra những giải pháp có tính “răn đe”, tránh cho các hành động “chặt chém” có thể xuất hiện hoặc tái diễn. Không ai có thể khẳng định trong tương lai sẽ không xuất hiện những sự vụ liên quan đến “chặt chém” ở các địa phương, nhưng chắc chắn cách làm sâu sát này sẽ hạn chế rất nhiều, và nếu có, cũng sẽ được xử lý nhanh chóng để bảo đảm quyền lợi cho du khách và thương hiệu của địa phương.