“Nâng chất” ngành du lịch

Dù đã và đang đối mặt nhiều thách thức, nhưng ngành du lịch vẫn phải không ngừng nâng cao chất lượng nếu muốn tồn tại. 

Thoạt nhìn, đây là một bài toán nan giải bởi lẽ “nâng chất” thường đồng nghĩa việc gia tăng các chi phí, đầu tư, điều gần như không thể diễn ra khi ngành đang trong giai đoạn cầm cự và chỉ có thể trông đợi vào thị trường (TT) nội địa. Dù vậy, diễn biến trên TT du lịch trong một năm qua lại cho thấy, việc “nâng chất” dù khó nhưng vẫn khả thi khi từng con người, từng vị trí trong ngành này tự “nâng chất” của chính mình lên.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, sự gắn kết giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch đã trở nên chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh hiện nay, khi du lịch tạo được điểm nhấn, sức hút với cộng đồng, sẽ hoàn toàn có thể thu hút lượng lớn du khách, tạo ra nguồn thu khả quan. Muốn vậy, các cơ quan quản lý sẽ có định hướng, số liệu và kinh nghiệm để chia sẻ với các DN trong ngành, để từ đó tạo ra một sản phẩm vừa “đúng”, vừa “trúng” thị hiếu.

Bà Hằng Nguyễn, Quản lý khu nghỉ dưỡng (resort) 4 sao Dusit Princess Moonrise Beach tại Phú Quốc chia sẻ, do tác động của dịch Covid-19, việc một nhân viên phải làm được nhiều việc là yêu cầu bắt buộc để tiết kiệm chi phí, bảo đảm thu nhập cho chính họ, nhưng cũng giúp cho hệ thống vận hành trơn tru, giảm đi những rủi ro về khiếm khuyết nhân sự. 

Ông Nguyễn Quang Đông, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty tài chính HD SAISON cho biết, thời gian qua DN đã triển khai sản phẩm cho vay du lịch. Cụ thể, du khách có thể vay tiền từ HD SAISON để sử dụng dịch vụ của các DN du lịch có uy tín. Sự kết hợp này đem lại lợi ích cho cả ba bên, DN du lịch bảo đảm được nguồn thu, DN tài chính mở thêm được một phân khúc sản phẩm, khách hàng mới, còn du khách được hỗ trợ tài chính. 

Sân bay Buôn Ma Thuột (BMV) có thể xem là một sân bay nhỏ, nhưng lại được nhiều du khách và người dân địa phương đánh giá rất cao về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là ở khâu kiểm soát an ninh (KSAN).

Gần đây, một số ý kiến cho rằng, việc quá tải ở một sân bay lớn nằm ở khâu KSAN, số lượng chuyến bay cao nhưng câu chuyện ở BMV lại gợi ra một suy nghĩ khác. Được biết vào mùa cao điểm trong năm 2020, số lượng chuyến bay tại BMV rơi vào khoảng 16 chuyến/ngày, trong những ngày gần đây đã tăng lên đến 20 chuyến/ngày, nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc hay quá tải.

Ông Nguyễn Chánh Duy, Giám đốc BMV chia sẻ, nghiệp vụ, quy trình chặt chẽ, chuẩn mực là điều tất nhiên, nhưng điều quan trọng nhất là toàn thể cán bộ, công nhân viên sân bay phải ý thức rằng: khách hàng chính là người trả lương cho mình. Giải quyết được vấn đề tinh thần sẽ giúp cho hoạt động trở nên trơn tru và có ích hơn rất nhiều so những quy định về xử phạt hay kỷ luật.