Mục tiêu xa tầm với

Theo thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết tháng 7/2021, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) ước đạt 33.710 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2020.

Nếu nhìn vào tình hình thị trường hiện tại và sự tăng trưởng của nền kinh tế thời gian qua thì mức doanh thu khối BHPNT đã đạt được trong bảy tháng qua vẫn khả quan và cao hơn so cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 7/2020, doanh thu phí thị trường BHPNT ước đạt 31.266 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.

Tuy nhiên, khác với thời điểm năm ngoái khi dịch bệnh đã bớt căng thẳng trong những tháng cuối năm, thì trong năm nay, dự báo tình hình sẽ khó được kiểm soát ngay trong thời gian này. Chưa kể, diễn biến dịch bệnh trong năm 2020 không phức tạp như năm 2021, nhưng doanh thu phí bảo hiểm của khối BHPNT cũng chỉ đạt 56.347 tỷ đồng, tăng 6,3% so năm 2019, theo số liệu của IAV.

Do đó, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số đề ra hồi đầu năm được cho là trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp (DN) BHPNT, nhất là khi tình hình dịch tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khu vực phía nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Hiện tại, hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành BHPNT là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới (tỷ trọng doanh thu hai nghiệp vụ này chiếm gần 60% trong tổng doanh thu) đều ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.

Thực tế, dịch bệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng thu nhập của người dân, mà còn tác động tới hoạt động khai thác của các đại lý bảo hiểm, khi nhu cầu dành cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân suy giảm.

Theo báo cáo đánh giá DN ngành bảo hiểm của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong khi sản phẩm cá nhân tăng trưởng chậm lại, thì các sản phẩm bảo hiểm bán buôn sẽ vươn lên dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành nhờ hưởng lợi gián tiếp từ những giải pháp hỗ trợ cho DN, mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu.

Mặc dù tăng trưởng doanh thu phí và lợi suất đầu tư ở mức thấp, nhưng lợi nhuận của các DN bảo hiểm cũng được bù đắp phần nào nhờ tỷ lệ bồi thường tiếp tục duy trì ở mức thấp. Thống kê của IAV cho thấy, trong bảy tháng đầu năm 2021, tỷ lệ bồi thường toàn ngành đạt 32%, tương đương 10.910 tỷ đồng và chưa bao gồm dự phòng bồi thường, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm 2020 và cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo BVSC, việc giãn cách kéo dài ở nhiều địa phương có thể khiến tỷ lệ bồi thường giảm thêm trong những tháng cuối năm và ước tính tỷ lệ này cả năm 2021 sẽ ở mức 32%, từ đó tác động tích cực đến những DN có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân cao.